Tin tức

Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm

13/11/2019    1208

Chỉ với 25 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Australia rất lớn và đa dạng. Đại bộ phận người tiêu dùng Australia có thái độ khá cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều quyết định cuối cùng là các yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả, mà không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ.

Theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), gần đây cộng đồng DN Australia ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và ngược lại. Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Trong vòng 10 năm, kể từ năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấn 2 lần, từ 3 tỷ USD lên 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt - Australia trung bình trong 10 năm gần đây chỉ chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Australia. Điều đó cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia còn cách xa so với tiềm năng của nước ta và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Australia.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết dù có nhiều tiềm năng nhưng không phải DN nào cũng tận dụng tốt thị trường này vì nhiều quy định khắt khe. Có DN xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Australia, lô hàng đầu tiên đáp ứng được tiêu chuẩn bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ 3oC. Tuy nhiên ở lô hàng thứ hai, DN lại bảo quản ở 10oC nên lô hàng này đã bị loại ngay lập tức. Việc sản phẩm của DN qua được một lần, không có nghĩa lần sau họ không kiểm tra, mà quan trọng là phải duy trì được chất lượng và đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe đó một cách thường xuyên.

Ngoài ra, theo quy định của CPTPP, DN Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường Australia và để được hưởng ưu đãi về thuế quan, DN phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu nội địa thuần túy từ các nước trong CPTPP. Trên thực tế, nhiều DN Việt Nam thường không nhập khẩu trực tiếp mà phải nhập khẩu qua DN thứ ba. Do không nhập khẩu trực tiếp nên DN thường chỉ quan tâm đến giá đầu vào như thế nào, còn các điều kiện khác bị bỏ qua nên rất khó cho việc chứng minh nguồn gốc để cộng gộp xuất xứ làm bằng chứng để được hưởng lợi về thuế quan, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho hàng Việt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với hàng hóa và được một loạt quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu hàng hóa không đảm bảo đầy đủ các tiêu chí như chất lượng, nhãn mác có lợi cho người tiêu dùng thì ngoài biện pháp bị trả hàng về, DN còn phải chịu mức chi phí đền bù không nhỏ. 

Khi bán hàng vào Australia, các DN cần lưu ý, hầu hết nhà nhập khẩu Australia không thích mặc cả. Vì vậy, giá chào hàng đầu tiên phải chính xác. Nếu mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Australia sẽ không xem xét đến đơn chào hàng. Mức giá này thường phải thấp hơn mức giá chào cho người mua tại Mỹ và châu Âu với tỷ lệ mặc cả không quá 3%-5%. Với quần áo nhập khẩu, nhà nhập khẩu Australia cũng luôn muốn nhận được báo giá thấp hơn so với DN Mỹ và châu Âu từ 5% -10%...

Điều quan trọng, nếu DN muốn khai thác tốt thị trường Australia thì cần hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá thấp.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng