Châu Á Thái Bình Dương tiến tới khu vực mậu dịch tự do
26/11/2010 72Các nhà lãnh đạo tham gia Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng một khu vực thương mại tự do trong khu vực.
Thỏa thuận này đã được tuyên bố ngày 14 tháng 11, khi kết thúc hội nghị cấp cao hai ngày tại Yokihama, Nhật Bản, với sự góp mặt của cả ba nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, những khác biệt vẫn tồn tại - đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc - xung quanh các vấn đề mất cân bằng thương mại và bóp méo tiền tệ.
Washington muốn tăng cường xuất khẩu của Mỹ vào khu vực, và cho rằng chính sách giữ giá nội tệ thấp của Trung Quốc là rào cản đối với mục tiêu đó.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói, bất cứ thay đổi nào sẽ chỉ được thực hiện theo lộ trình của chính Bắc Kinh.
"Tầm nhìn Yokohama"
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định "kiên trì cam kết thực hiện thương mại và đầu tư tự do và rộng mở tại khu vực".
Họ cũng cam kết tiến hành "những bước đi cụ thể hướng tới xác lập một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương", nhưng không đưa ra lịch trình cụ thể.
Tuyên bố chung - với tên gọi Tầm nhìn Yokohama - cũng phản đối thành lập bất cứ rào cản mới nào đối với thương mại và đầu tư.
"Chúng tôi cam kết sẽ tiến hành các chính sách giảm thiểu các biện pháp bóp méo thương mại đã được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính này".
Các bên cũng nhất chí hướng tới một "hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định". Tuy nhiên, theo phóng viên Roland Buerk của đài BBC, các nhà lãnh đạo không công bố thông tin chi viết về biện pháp thực hiện những cam kết này.
Căng thẳng an ninh
Hội nghị cấp cao APEC cũng có thể đã giúp hóa giải những bất đồng giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời gian qua.
Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng kể từ đầu tháng chín khi một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản va chạm gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có cuộc đàm với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bên lề hội nghị - cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi tranh cãi nổ ra.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tetsuro Fukuyama phát biểu trước phóng viên: "Tôi thừa nhận quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được bước tiến cải thiện lớn".
Quan hệ giữa Tokyo với Nga gần đây cũng trở nên căng thẳng, sau khi tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm bốn hòn đảo tại Thái Bình Dương, nơi cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Tranh cãi cũng đã được hai ông Medvedev và Kan thảo luận bên lề hội nghị này.
Thủ tướng Kan nói, chuyến thăm của tổng thống Nga đã khiến người dân Nhật Bản bị kích động, và hai nước cần phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau.
Phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, quan điểm của đất nước ông là không thay đổi - và ông Mevedeve sẽ "tự đưa ra quyết định tới thăm khu vực nào của Nga".
Đình Ngân dịch (theo BBC)
Nguồn: vef.vn
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang thị trường Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
- Doanh nghiệp xi măng: Đầu tư công nghệ xanh hay dừng xuất khẩu?