Tin tức

Đàm phán Mỹ - Trung vẫn dậm chân tại chỗ

02/08/2019    108

 Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 12 vừa kết thúc hôm 31-7 tại Thượng Hải nhưng không đạt được bất cứ tiến triển đột phá nào để hướng đến chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài hơn một năm qua.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn thông báo ngắn ngủi của Bộ Thương mại Trung Quốc vào cuối ngày 31-7 cho biết hai bên đã có “các cuộc trao đổi sâu, hiệu quả, thẳng thắn về một số vấn đề quan tâm chung trong lĩnh vực thương mại và kinh tế”.

Thông báo cũng nói rằng tại cuộc đàm phán, hai bên đã thảo luận cách Trung Quốc tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ cũng như cách Mỹ tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua công nghệ Mỹ của Trung Quốc.

Cuộc đàm phán giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở Thượng Hải đánh dấu lần đầu tiên quan chức thương mại của hai nước tiếp xúc trực tiếp kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ cách đây gần 3 tháng.

Tân Hoa xã đăng bản tin cho biết tại cuộc đàm phán, Trung Quốc đồng ý mua thêm nông sản Mỹ dựa trên việc cân nhắc nhu cầu trong nước, chứ không nói rõ cụ thể sẽ mua những sản phẩm nào. Bản tin nói vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước sẽ diễn ra vào tháng 9 tới ở Washington.

Nhà Trắng ra thông báo cho biết các nhà đàm phán đã thảo luận về các chủ đề như chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu tài sản trí tuệ, ngành dịch vụ, các hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp và Trung Quốc đã khẳng định cam kết mua nông sản Mỹ.

Cuộc đàm phán diễn ra giữa bầu không khí khá căng thẳng. Tối 30-7, khi các quan chức Trung Quốc tiếp đón phái đoàn Mỹ bằng bữa tiệc tối ở khách sạn Fairmont Peace ở Thượng Hải thì cùng lúc đó tại Washington, Tổng thống Donald Trump lên Twitter cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các cam kết mua nông sản Mỹ như ông đã được hứa trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng trước ở Nhật Bản.

Ông nói nói rằng một thỏa thuận thương mại có thể không đạt được trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc họ đưa ra cam kết như vậy.

Hôm 31-7, khi các quan chức thương mại bên đang đàm phán ở Trung tâm hội nghị Tây Giao, Thượng Hải, tờ Thời Cầu Hoàn Cầu đăng bài xã luận cảnh báo chính quyền Mỹ phải thay đổi thói quen xấu về việc sử dụng lời lẽ cứng rắn để cổ vũ phái đoàn đàm phán Mỹ, có thể dễ dàng gây tổn hại niềm tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tờ Nhân Dân Nhật báo đăng thêm một bài xã luận này nhắc nhở các nhà đàm phán Mỹ phải “tham vấn với lòng thành tâm”.

Cuộc đàm phán được theo dõi chặt chẽ nhưng các cố vấn và nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc xem chúng chỉ mang tính biểu tượng cho việc nối lại đàm phán chính thức.

Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Đại dương Trung Quốc nhận định ngoài việc mua thêm nông sản Mỹ, sắp tới, Bắc Kinh có thể cam kết thay đổi một số quy định giúp các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông cho cho rằng cuộc đàm phán ở Thượng Hải không vượt ra ngoài tín hiệu cho thấy họ đang đàm phán và cả hai bên không vội vã đạt thỏa thuận.

Ngụy Kiến Quốc, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, cho rằng triển vọng đàm phán có thể rõ ràng hơn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

“Chúng tôi không thể thấy đàm phán lúc này có thể giải quyết các vấn đề nhưng chúng tôi cần thấy rằng chúng tôi có thể sử dụng các cuộc đàm phán này để xây dựng niềm tin lẫn nhau”, ông nói.

Ông ghi nhận cuộc đàm phán ở Thượng Hải chỉ là mang tính hình thức và ông hy vọng hai bên sẽ có tiến triển đột phá trong đàm phán vào cuối năm này. Ông cho biết Trump cần một thỏa thuận tốt để củng cố cuộc vận động tranh cử và ngăn chặn áp lực kinh tế tăng trưởng chững lại, trong khi đó, Trung Quốc lại không vội vàng đạt được thỏa thuận khi nền kinh tế tổng thể không xấu như dự báo.

Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế kéo dài với Mỹ. Cuộc họp hàng quí của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 30-7 kết luận Trung Quốc phải dựa vào tiềm năng nhu cầu trong nước bao gồm vùng nông thôn rộng lớn để quản lý các rủi ro và thách thức cũng như bù đắp cho sức ép suy giảm tăng trưởng lên nên kinh tế.

Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quố có thể “biến khủng hoảng chiến tranh thương mại thành cơ hội”.

Một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ đặt ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc các lựa chọn khó khăn. Đà tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc đang trầm trọng hơn do các căng thẳng thương mại với Mỹ. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách thúc đẩy đầu tư hạ tầng và các dự án lớn khác, một chiến lược tăng trưởng đáng tin cậy nhưng có thể khiến các vấn đề nợ của Trung Quốc nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, nếu Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ để đạt được thỏa thuận nhanh với Mỹ, giới lãnh đạo nước này sẽ bị xem là yếu ớt khi đối mặt với các cường quốc nước ngoài, làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hai bên quyết định gặp mặt nhau trong tuần này dù vẫn chưa chuẩn bị một bản dự thảo thỏa thuận thương mại để có thể thảo luận cụ thể. Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn giữ nguyên nội dung dự thảo thỏa thuận trước khi nó bị Trung Quốc gạch bỏ một danh sách dài các cam kết mà hai bên đã đạt được trước đó.

Bắc Kinh muốn Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp áp thuế với hàng hóa Trung Quốc trước khi ký thỏa thuận thương mại, đồng thời yêu cầu Mỹ bỏ yêu cầu về một cơ chế bảo đảm thực thi thỏa thuận này, cho phép Washington áp thuế trở lại nếu nhận thấy Bắc Kinh không thực hiện đầy đủ các cam kết.

Các vấn đề hai nước không chỉ là các đòn thuế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị quyết định có nên cấp các giấy phép đặc biệt cho hàng chục công ty Mỹ để bán linh kiện và công nghệ cho Huawei hay không sau khi hãng thiết bị viễn thông này bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn