Tin tức

Trung Quốc có thể vượt qua “bão” thương mại trong dài hạn?

27/06/2019    30

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần này, tuy nhiên có rất ít hy vọng để hai bên đạt được một thỏa thuận “hòa bình”, chấm dứt cuộc chiến thương mại sớm.

Tại Washington, các quan chức chính quyền phát đi thông điệp rằng Mỹ không vội vã ký thỏa thuận thương mại sớm với Bắc Kinh. Trước khi ông Trump viết những dòng tweet thông báo tăng thuế đối với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 5, khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ, ông đối mặt với những tiếng nói chỉ trích ngày càng gia tăng từ phe Cộng hòa lẫn Dân chủ vì họ cho rằng ông đang vội vàng tiến đến một thỏa thuận thương mại “cho đi quá nhiều và nhận lại quá ít” từ Bắc Kinh.Điều này có nghĩa là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài qua năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington lẫn Bắc Kinh đều tin rằng nền kinh tế của họ đang ở vị thế vững vàng để vượt qua một cơn bão thương mại tiếp tục kéo dài. Song sự lạc quan của họ có thể là một sai lầm, đặc biệt là ở phía Trung Quốc.

Khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn ổn định, thị trường chứng khoán Mỹ lập các đỉnh cao mới và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp ủng hộ cắt giảm lãi suất nếu triển vọng kinh tế chuyển biến xấu, Tổng thống Trump có một điểm tựa chính trị rất lớn để không khoan nhượng trong bất cứ vòng đàm phán thương mại mới nào với Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng không sốt sắng tìm cách đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Cũng giống như ông Trump, cách đây hơn một tháng, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, đối mặt với các chỉ trích ở trong nước vì ông dường như sẵn sàng nhượng bộ quá nhiều trong các cuộc đàm phán với Washington.

Do vậy, dù rất muốn tránh đòn thuế mới mà ông Trump dọa áp vào thêm hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, giờ đây Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Washington về việc điều chỉnh sâu rộng các chính sách công nghiệp, vốn bị dư luận trong nước chỉ trích là “xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc”.

Hơn nữa, các lãnh đạo Trung Quốc cũng tin rằng nền kinh tế trong nước của họ đủ sức chống chọi các tác động tiêu cực của các xung đột thương mại đang gia tăng với Mỹ mà không bị tổn thương quá nặng.

Các nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng tỉ trọng đóng góp của xuất khẩu Trung Quốc cho GDP đã giảm từ mức 35% trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 xuống chỉ còn 18% vào năm ngoái.

Phát biểu hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói: “Có một sự thay đổi cấu trúc lớn đang xảy ra ở Trung Quốc, vốn từ chỗ một nền kinh tế hướng đến xuất khẩu sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi thị trường khổng lồ ở trong nước”. Ông Lưu quả quyết tiến trình phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ không bị gián đoạn bởi “các thách thức bên ngoài”, chẳng hạn cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Lời khẳng định có vẻ hợp lý. Trong năm tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 15 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chỉ chiếm 0,1% tổng giá trị GDP của Trung Quốc trong năm 2018. Thậm chí nếu xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ suy giảm gấp hai, gấp ba lần con số đó nhưng nhập khẩu không giảm thì tác động trực tiếp đối với GDP tổng thể cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ rất nhỏ.

Song những hậu quả trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại đối với GDP của Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện.

Khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, các công ty Trung Quốc có cơ hội cạnh tranh với các đối thủ tầm cỡ thế giới. Sự cạnh tranh này buộc họ phải nâng tầm cuộc chơi, thúc đẩy sáng tạo và đầu tư, giúp cải thiện năng suất, tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong nền kinh tế, giúp tạo ra nhiều việc làm chất lượng với mức thu nhập cao hơn.

Nói cách khác, tiến trình phát triển liên tục của “thị trường trong nước khổng lồ” của Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi lĩnh vực xuất khẩu có quy mô nhỏ hơn nhiều.

Giờ đây, ông Lưu Hạc kỳ vọng thị trường trong nước sẽ bù đắp cho sự suy giảm ở các hoạt động xuất khẩu nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Song kịch bản dựa vào thị trường trong nước để chống chọi chiến tranh thương mại có thể khiến Trung Quốc đối mặt với một vấn đề dài hạn.

Hiện tại, Trung Quốc tiết kiệm khoảng 45% giá trị GDP và đầu tư với mức tương đương. Tỷ lệ tiết kiệm sẽ không giảm, trong khi đó các doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ hạn chế đầu tư mới do lo ngại các bất ổn thương mại. Vì vậy, mức tiết kiệm có thể vượt mức đầu tư trong nước, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. Hơn nữa, công suất sản xuất hàng hóa và nguyên liệu của Trung Quốc sẽ lớn hơn sức tiêu thụ ở trong nước nếu xuất khẩu bị đình trệ nếu căng thẳng thương mại kéo dài.

Để giải quyết bài toán tăng trưởng, Trung Quốc phải tìm cách thúc đẩy đầu tư trong nước. Nếu khu vực tư nhân không gia tăng đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ phải đảm nhận vai trò này. Nhưng thực tế cho thấy, đầu tư ở khu vực nhà nước của Trung Quốc kém hiệu quả hơn nhiều so với khu vực tư nhân.

Do đó, dù Trung Quốc có thể tăng cường đầu tư ở khu vực nhà nước, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn căng thẳng và hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng về lâu dài chất lượng sẽ bị tổn thương do tỷ lệ lợi nhuận ròng so với chi phí đầu tư suy giảm và các rủi ro tài chính tăng lên. Đây có thể không phải là vấn đề lớn đối với Bắc Kinh trong năm 2019 nhưng nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn