Tin tức

Những ngành sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh khi thuế nhập khẩu từ EU về 0%

01/07/2019    1001

Một số ngành, sản phẩm cũng được dự báo sẽ gặp phải sự cạnh tranh nhất định, chẳng hạn đối với sản phẩm thịt, sữa.

EVFTA mở ra cơ hội cho nhiều ngành thế mạnh hiện nay của Việt Nam khi lộ trình cam kết về giảm thuế hoàn tất (phổ biến từ 3-7 năm). Theo đó, các ngành nông sản, dệt may, giày dép của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn.

Tuy nhiên, một số ngành, sản phẩm cũng được dự báo sẽ gặp phải sự cạnh tranh nhất định, chẳng hạn đối với sản phẩm thịt, sữa.

Theo Hiệp định, EU có cam kết mở cửa mạnh cho các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với các dòng thuế đối với động vật sống, thịt trâu bò, thịt lợn. Loại bỏ thuế trong vòng 7 năm (một vài trường hợp là 5 năm) đối với các sản phẩm từ gia cầm và một vài sản phẩm chế biến từ bò và lợn. Mức cắt giảm này được xem là tương đối lớn (bởi mức thuế MFN hiện tại mà EU đang áp dụng là khá cao).

Tuy nhiên, do Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu các loại trâu, bò, lợn, gà sống trong khi EU chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thịt nên cơ hội thuế quan từ EU chỉ trở thành hiện thực nếu các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm mà EU quan tâm.

Việt Nam cam kết mở cửa rất dè dặt đối với nhóm sản phẩm này, theo đó Việt Nam sẽ loại bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với bò, lợn, gà sống nhập khẩu từ EU. Loại bỏ thuế theo lộ trình dài 7-10 năm đối với tất cả các loại thịt bò, lợn, gà tươi hoặc đông lạnh. Với mức bảo hộ khá kỹ này, tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ được cho là sẽ không quá đột ngột, và ngành sẽ có khoảng thời gian tương đối dài để điều chỉnh, thích ứng với cạnh tranh.

Nhập khẩu các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi các mức thuế MFN rất cao hiện nay (10-40%) được cắt giảm dần và loại bỏ khi hết lộ trình, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng đáng kể. Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng (muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng) sẽ làm gia tăng cạnh tranh đáng kể cho ngành chăn nuôi Việt Nam tại thị trường nội địa.

Đây là áp lực đối với những doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành.

Đối với ngành sữa. Mặc dù EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU vẫn chưa cấp phép nhẩu khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.

Thêm vào đó, việc hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp sữa của Việt Nam do phải cạnh tranh với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU vốn có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, áp lực này hiện chưa đáng kể, do các sản phẩm sữa mà Việt Nam hiện nhập khẩu khá nhiều từ EU bao gồm: sữa whey và các biến thể, bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột. Các sản phẩm này đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường Việt Nam. 

Theo số liệu được công bố từ Eurostat và bởi Ủy ban Liên Minh châu Âu (EUCOM), trong năm 2018, tổng giá trị thương mại mậu dịch giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt 49,3 tỷ EUR, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,19 tỷ EUR còn nhập khẩu của Việt Nam từ châu Âu đạt 11,1 tỷ EUR, qua đó thặng dư thương mại của Việt Nam với châu Âu trong năm 2018 đạt 27,08 tỷ EUR. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU năm 2018 đã tăng 310% so với giá trị năm 2008. Nhưng điểm khá thuận lợi với Việt Nam là thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được duy trì từ hơn 10 năm nay và tăng 562,75% từ mức 4,08 tỷ EUR vào năm 2009 lên đến 27,08 tỷ EUR vào năm 2018.

Xét về quy mô, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm tới 11.9% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Việt Nam với thế giới. EU cũng đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam với thị phần chiếm đến 6,0%, chỉ sau Trung Quốc (28,3%), Hàn Quốc (20,5%), Nhật Bản (8,2%).

Tuy vậy, đối với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu giao dịch thương mại của EU – đứng thứ 16 vả giá trị giao dịch thương mại giữa Việt Nam và EU chỉ chiếm 1,3% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của EU (tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đứng thứ 10 – chiếm 1,9% tổng kinh ngạch nhập khẩu, xuất khẩu đứng thứ 31 – chiếm 0,6% tổng kinh ngạch xuất khẩu của liên minh châu Âu).

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp