Tin tức

Ứng phó với “quả bom thuế” từ Trump

18/02/2019    92

Vòng đàm phán thương mại Mỹ- Trung mới nhất đã kết thúc tại Bắc Kinh mà không một tuyên bố cụ thể nào được đưa ra. Điều này khiến “quả bom thuế” từ chính quyền Trump vẫn còn treo lơ lửng.

Nếu kết quả “đình chiến” Mỹ- Trung được thống nhất ở Buenos Aires từng khiến thế giới thở phào thì đến nay, không khí ngột ngạt đang dần trở lại khi thời hạn đến gần.

Nhùng nhằng thương chiến

Bắc Kinh bắt đầu có dấu hiệu xuống thang chiến tranh thương mại, đồng ý nhập khẩu đậu tương và không đánh thuế nhập khẩu xe hơi từ Mỹ. Nhưng cho đến nay, Washington vẫn nhất quyết với mục tiêu buộc Trung Quốc thay đổi phương pháp điều hành kinh tế không làm phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ.

Chủ tịch Tập chủ yếu muốn Tổng thống Trump loại bỏ hoặc giảm mạnh thuế quan mà Mỹ đã áp đặt đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Tuyệt nhiên, Bắc Kinh rất ít đả động đến bê bối xung quanh vụ việc Huawei - một chứng minh cho cáo buộc của Mỹ.

Để tránh “quả bom thuế” từ Trump, Trung Quốc phải giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước, vốn lên đến 375 tỷ USD hồi năm 2017.

Giải pháp của Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn. Mặt trái của nó là dễ bị cuốn theo vòng xoáy kinh tế thế giới, nên cần tránh thiệt hại và tận dụng cơ hội nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang hơn nữa.

Chính sách tỷ giá phải điều hành linh hoạt hơn, phù hợp với diễn biến của USD và CNY. Bởi vì, điều chỉnh tỷ giá không hợp lý sẽ gây áp lực lên giá cả hàng hóa, làm gia tăng áp lực lạm phát, buộc NHNN phải tăng lãi suất, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời điểm các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam cần có đột phá chính sách thu hút FDI, nhưng cần chọn lọc kỹ để loại bỏ các công nghệ lạc hậu, đồng thời ưu tiên các dự án công nghệ cao như Apple...

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nỗ lực vận động hành lang thành lập các liên minh để chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại, như đã làm với Nga trong lĩnh vực tài chính tiền tệ hoặc thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). CPTPP sẽ là Hiệp định giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp