Tin tức

Thủ tục nhập khẩu thủy sản để chế biến còn nhiều bất cập

28/09/2010    81

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi thông tư 51 được ban hành đã giải tỏa phần nào lo lắng của doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản để gia công, chế biến và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư 51/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/9, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT (quy định trình tự thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản) Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT (về hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu) nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn hàng tại cảng.

Cho đến nay, tình trạng tắc nghẽn hàng tại cảng để chờ kết quả kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đã được giải quyết. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) và Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn thực hiện và thông quan hàng hóa theo thông tư này.

NAFIQAD đã gửi công văn tới các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng, yêu cầu các đơn vị này hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thủy sản liên hệ với các cơ quan thuộc Cục Thú y để được hướng dẫn cụ thể.

Bởi theo quy định mới của thông tư 51, Cục Thú y vừa chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các lô hàng sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu vừa được giao nhiệm vụ kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cho lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.

Ngày 13/9/2010, Tổng cục Hải quan cũng gửi công văn tới Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn thông quan đối với động vật, sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm dịch thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi thông quan theo Công văn số 1152/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ, không áp dụng chế độ thông quan trước kiểm tra sau.

Từ ngày 10/9/2010, căn cứ theo thông tư 51 và thông tư 53 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp thủy sản khi làm thủ tục thông quan hàng hóa phải trình cơ quan Hải quan giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu không dùng làm thực phẩm và giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm.

Đối với các lô hàng nhập khẩu đang tồn đọng tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với Cơ quan Thú y cấp giấy chứng nhận theo mẫu mới để làm thủ tục và thông quan hàng hóa.

Đến thời điểm này, tình trạng ách tắc tại cảng đã được giải phóng, tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, đến nay, nhiều lô hàng thủy sản nhập khẩu vẫn phải chờ ít nhất 2 ngày, có kết quả của Cục Thú y mới được thông quan. Do nhận nhiệm vụ trong thời gian quá ngắn nên Cơ quan thú y vẫn lúng túng khi phải thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cho lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu.

Từ trước đến nay NAFIQAD đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ làm tốt vai trò của mình nhờ năng lực chuyên trách, con người và trang thiết bị. Sau ngày Thông tư 51 ban hành, Cục Thú y trở thành đầu mối thu nhận và thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến hàng thủy sản nhập khẩu để gia công, do đó, không tránh khỏi lúng túng khi triển khai.

Thậm chí, hiện nay, một số Chi cục Thú y tiến hành lấy mẫu kiểm kiệm lô hàng với khối lượng lớn từ 20 - 80 kg. Với khối lượng này, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thủy sản có giá trị cao từ 5-6 USD/1kg đang đau đầu vì phải chịu khoản chi phí không nhỏ…

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử