Hãy hành động thay vì ngồi đợi
28/09/2010 81Là kêu gọi từ các diễn giả tại cuộc Tọa đàm “Xu hướng kinh tế thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam” vừa được Bộ Ngoại Giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCharm) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã tới dự.
Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng quốc tế và thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, thái độ, tư duy và kỹ năng lãnh đạo của người điều hành doanh nghiệp đóng vai trò chính yếu, góp phần định hướng cho doanh nghiệp có bước đi đúng đắn. Thường là trước những khó khăn, thách thức đặt ra, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tìm lối thoát cho mình, doanh nghiệp đang gặp rủi ro càng cố tìm mọi cách khai thác lợi ích trong sự bất trắc, điều đó càng làm tăng thêm những bất ổn.
Tại buổi Đối thoại, ông Asok Sud - đồng chủ tịch EuroCharm, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, thước đo khả năng lãnh đạo chính là khả năng hoàn thành kế hoạch đã được đề ra, “sự lãnh đạo sẽ không thành công nếu không đi cùng với hành động. Lúc đó mọi thứ cũng chỉ là hứa suông và nhanh chóng sẽ bị quên lãng” - ông Sud cho biết. Các doanh nghiệp nên bắt tay vào hành động, đưa doanh nghiệp ra khỏi những rủi ro thay vì cứ ngồi yên “đợi thời”.
Đồng quan điểm với ông Asok Sud, ông David T. Ellwood - Hiệu trưởng Trường Quản lý hành chính công Kennedy (thuộc Đại học Tổng hợp Harvard, Hoa Kỳ) nhấn mạnh yếu tố “Hành động kịp thời: Giải quyết những thách thức toàn cầu lớn nhất của chúng ta”. Ông cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và tạo được cảm hứng. “Thế giới ngày nay đang đối mặt nhiều thách thức như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,...trong khi con người không giỏi trong đối phó với những rủi ro này. Con người chỉ quen sống cho hiện tại. Người ta sẵn sàng lái xe quá nhanh, ăn uống quá nhiều và tiêu pha hoang phí mà không cần tính đến ngày mai sẽ ra sao.
Vì thế, không chỉ riêng ở Việt Nam mà chính phủ, người dân, doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới cần hành động kịp thời để giảm đáng kể chi phí và tác động của thách thức”, ông David T. Ellwood khuyến nghị. Nếu hành động đúng lúc, sẽ thay đổi được cách ứng xử, chẳng hạn Việt Nam đã phản ứng tốt với dịch cúm H5N1, giảm thiểu được mức độ rủi ro. Vì vậy việc lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng được tầm nhìn và chiến lược là vô cùng quan trọng.
Tại cuộc Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích sự suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ, và sự lớn mạnh của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Phó Thủ tướng cũng đã đề cập đến những cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua.
Sau khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn giữ được một tốc độ phát triển ổn định và tăng trưởng khá, vốn đầu tư nước ngoài tương đối cao so với nhiều nước đang phát triển. Theo thống kê 8 tháng đầu năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quí I đạt 5,83%, quý II là 6,4%, quý III là 7,18% trong khi mức tăng dự kiến cho năm 2010 là 6,7%. Xuất khẩu đạt đến 44,5 tỉ USD trong đó thị trường Hoa Kỳ là điểm đến lớn nhất, chiếm 7,6 tỉ USD.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sở dĩ nền kinh tế Việt Nam có được sự tiến triển như vậy là do Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, khả năng tiếp cận và học hỏi của người Việt Nam rất nhanh nhạy. Nền kinh tế Việt Nam cũng đã bắt nhịp được với xu hướng kinh tế thế giới. Mặt khác, Chính phủ cũng hết sức chú trọng đến việc đầu tư phát triển các vấn đề giáo dục, y tế, duy trì văn hoá quốc gia… Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiến hành chương trình phát triển nhân lực đến 2020 để có thêm nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn năng lượng đang bị thiếu hụt, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu đặc biệt là mực nước biển tăng cao. Một thách thức khác là quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều bất cập như ách tắc giao thông hay sự bất ổn định trong nền kinh tế vĩ mô dẫn đến tình trạng lạm phát, khó điều hành mức lãi suất. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ cộng với tình trạng tham nhũng cũng là một vấn nạn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Hơn ai hết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu trực tiếp với những vướng mắc này.
Nguồn: tgvn.com.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang thị trường Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam