Tin tức

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Hoa Kỳ

28/09/2010    187

Sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước còn cách xa với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nền kinh tế, mà chủ yếu từ phía Việt Nam. Song cũng phải thừa nhận là hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam hiện nay thực sự chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển hợp tác thương mại giữa hai nước.

Vài nét tổng quan

Sau 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nhất là sau 9 năm ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), bang giao ngoại thương Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển đột biến. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ bằng 12,3 lần năm 2001. Năm 2009, dù tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ sa sút không đáng kể. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ trong khung thời gian trên cũng tiến triển nhưng với tốc độ chậm hơn, năm 2008 chỉ bằng 6,4 lần năm 2001. Năm 2009, nhập khẩu tăng chút đỉnh so với năm 2008, song về trị giá vẫn thua xa kim ngạch xuất khẩu cùng năm. Chính vì thế mà từ năm 2001 đến nay, năm nào Việt Nam cũng xuất siêu sang Hoa Kỳ, trong đó lớn nhất là năm 2008 xuất siêu tới 10,1 tỷ USD.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đứng thứ 26 trong tổng số 30 nền kinh tế xuất khẩu vào thị trường  này. Tuy vậy, vị thế của từng mặt hàng lại đáng khích lệ. Giày dép đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Đồ gỗ nội thất đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Mexico, Canada. Thủy sản đứng thứ 6 sau Canada, Trung Quốc, Thái Lan, Chi Lê, Inđônêxia. Trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ cũng quá nhỏ so với tổng giá trị xuất khẩu của thị trường này. Điều đó khẳng định đây là thị trường khổng lồ.

Với dân số đông, lớp người giàu đứng đầu thế giới khá nhiều song tầng lớp thu nhập trung bình và thấp cũng không ít, Hoa Kỳ là thị trường có sức mua rất lớn, phân đoạn rộng, từ hàng thấp cấp đến cao cấp, nên chẳng những cấp độ hàng Việt Nam nhiều cơ may tiêu thụ tại thị trường này và giả định nếu toàn bộ hàng xuất khẩu của Việt Nam bán được hết sang Hoa Kỳ chưa thấm tháp gì. Điều này hé lộ những triển vọng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Có lẽ phát triển đột biến - xuất siêu - thị trường khổng lồ - phân đoạn rộng là 4 trong số các nét đặc trưng theo hướng nhìn từ phía Việt Nam đối với thị trường Hoa Kỳ. Điều đó cần được lưu tâm đến khi hoạch định chính sách thương mại nói chung và giải pháp xúc tiến thương mại nói riêng đối với thị trường này.

Hoạt động xúc tiến thương mại ấn tượng

Không phải chỉ từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và  ký hiệp định thương mại song phương mới có buôn bán mà trước những thời điểm đó, hai bên đã có buôn thương vụ lẻ tẻ, ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp nhỏ, né tránh cấm vận. Đồng hành với những hoạt động sơ khởi đó, xúc tiến thương mại đã được khởi động bằng những cuộc nghiên cứu ở tầm vĩ mô cũng như khảo sát ở các tổ chức và doanh nghiệp cụ thể. Chính vì vậy, khi thời vận mới mở ra, chẳng những kim ngạch buôn bán có đột biến, bộ máy xúc tiến thương mại cũng lập tức tăng tốc hơn nhiều thị trường khác.

Cơ quan thương vụ được thành lập để “đón” BTA và tiếp theo đó Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại New York được ra đời. Cục Xúc tiến thương mại, các Tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các Tổ chức phi Chính phủ, các Doanh nghiệp hàng đầu… đều thấy rõ vai trò  của mình, nhất loạt vào cuộc và đã có kết quả rõ rệt.

Việt Nam đã tham gia đều đặn các hội chợ quốc tế lớn tại Hoa Kỳ như Hội chợ Đồ gỗ quốc tế Las Vegas, Hội chợ Thực phẩm tại New York… Một số thành phố đầu tàu tăng trưởng, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có đại diện thường trú tại Hoa Kỳ. Nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát cụ thể tiếp tục tới Hoa Kỳ đánh giá năng lực của ngành hàng, doanh nghiệp thích ứng với thị trường này thế nào. Các dự án xúc tiến thương mại có liên quan đến thị trường Hoa Kỳ chiếm vị trí xứng đáng trong số các hạng mục thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm.

Ngược lại, hàng trăm lượt đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ với hàng nghìn doanh nhân, được sự chắp mối của Thương vụ Việt Nam, của Trung tâm Giới thiệu sản phẩm tại New York thuộc Cục Xúc tiến thương mại hoặc nhân các chuyến thăm cấp cao, tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức tại Việt Nam…, đã vào gặp gỡ, kết nối với các bạn hàng Việt Nam. Trong đó có nhiều công ty của Hoa Kỳ đặt mua hàng với số lượng lớn để cung cấp cho các hệ thống bản lẻ lớn của Hoa Kỳ, tìm kiếm đối tác đầu tư mở rộng sản xuất  tại Việt Nam. Các lĩnh vực được đối tác Hoa Kỳ quan tâm là  gia công cơ khí, may mặc, thuộc da, đồ gỗ, may mặc, đồ dùng gia dụng…

Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ  đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tìm ra những phương thức tiếp cận thị trường phù hợp với năng lực của họ. Các hoạt động chắp mối giao thương nói trên còn được thông qua các phương tiện thông tin điện tử và từ đó mở ra những hoạt động hợp tác, kinh doanh mới.

Trên bước đường phát triển đó, hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước đang được tiếp sức bằng những động thái mới.

Ngày 13/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 465/QĐ-TTg về việc “Thay đổi cơ chế tài chính đối với Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York”. Theo đó, Trung tâm được Nhà nước cấp 100% ngân sách hoạt động nhằm hỗ trợ tối đa các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Hoa Kỳ. Trước đó, Trung tâm một mặt phải đảm bảo các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một mặt vẫn phải đảm bảo nguồn thu nhằm trang trải các hoạt động của mình, nên rất hạn chế.

Chính phủ còn đặt thêm Chi nhánh của Thương vụ Việt Nam tại San Francisco và tại Houston. Với một thị trường dung lượng đặc biệt lớn, địa bàn quá rộng, việc làm này càng tạo điều kiện cho Thương vụ thực thi tốt nhiệm vụ xúc tiến thương mại.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hoa Kỳ, ngày 24/6/2008, tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã diễn ra lễ ký Thỏa thuận hợp tác về xúc tiến thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Theo đó hai bên sẽ trao đổi thông tin, trao đổi các đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội chợ triển lãm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện.

Những động thái mới được xem như điểm nhấn về  sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trên đường “vươn ra biển lớn”, mà thị trường Hoa Kỳ là một “vùng sóng to gió cả”.

Diện hoạt động còn bó hẹp, chủ yếu vẫn là những phương cách, dịch vụ truyền thống. Trình độ của đội ngũ tác nghiệp còn hạn chế. Nguồn lực giành cho hoạt động xúc tiến thương mại dù được ưu tiên, tăng cường, nhưng vẫn còn thiếu hụt so với yêu cầu. Thời gian cũng chưa nhiều đủ để tích lũy kinh nghiệm.

Giải pháp

Quan hệ vững chắc với thị trường Hoa Kỳ không chỉ giúp Việt Nam khai thác tốt thị trường này mà còn làm bàn đạp để tiến sang các thị trường lân cận khác cũng đầy tiềm năng tại Bắc Mỹ. Vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến thương mại với thị trường Hoa Kỳ vừa có ý nghĩa trước mắt, trực diện mà còn có ý nghĩa chiến lược, với tầm nhìn xa.

Về định hướng ở tầm vĩ mô, phải bổ sung hệ thống cơ chế chính sách, tạo ra sự phối hợp và đồng thuận với các cơ quan hữu quan của phía Hoa Kỳ, giải tỏa các rào cản, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuận lợi;

Tạo năng lực cho Hiệp hội ngành hàng, mỗi doanh nghiệp đủ mạnh tự mình thao tác trên thị trường này, xác định hoặc điều chỉnh chiến lược, phương hướng về ngành hàng, về từng mặt hàng;

Chú trọng đến hệ thống kênh phân phối sản phẩm của Hoa Kỳ, phân loại, phân đoạn thị trường tiêu thụ sản phẩm;

Quan tâm tới luật lệ xuất nhập khẩu, phương thức thanh toán, thủ tục hải quan, kiểm tra an ninh, tập quán tiêu dùng của Hoa Kỳ… thường khá phức tạp;

Kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc khi thâm nhập vào thị trường nội địa Hoa Kỳ, họ rất quan tâm đến cộng đồng kiều dân gốc, tạo điều kiện để các đối tượng này này sử dụng sản phẩm từ chính quốc, dần dà họ sẽ “lây lan” thói quen cho cộng đồng khác. Với hơn 2 triệu kiều bào gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ là một thị trường tiềm năng, một dung lượng tiêu thụ đáng kể, một kênh phân phối, mạng lưới đại lý tin cậy;

Trên nền tảng đó, hoạt động xúc tiến thương mại cần sẵn sàng triển khai các hoạt động sau:

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hoạt động xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ như: Tổ chức “Ngày Việt Nam”; Tham gia trưng bày hàng xuất khẩu tại các trung tâm kinh tế lớn, trong đó chú trọng cải tiến nội dung, hình thức trưng bày hàng mẫu, catalogue phong phú, thiết thực, đủ thông số để giảm chi phí, rút ngắn thời gian gặp gỡ giao dịch giữa các đối tác; cung cấp các thông tin về thị trường Hoa Kỳ cho doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội kinh doanh, về thị hiếu, về các kênh phân phối hàng hóa nội địa; giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam phát triển quan hệ làm ăn với các đối tác Hoa Kỳ đặt gia công, bao tiêu sản phẩm; tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia hội thảo, gặp gỡ khách hàng, khảo sát thị trường…

Hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ nắm bắt thông tin về thị trường Việt Nam. Dành quỹ xúc tiến thương mại mời đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam, thăm cơ sở, tư vấn cải thiện điều kiện sản xuất, kiểm tra chất lượng hàng hóa cho phù hợp với chuẩn mực của Hoa Kỳ…

Tăng cường giới thiệu Việt Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong mọi cơ hội, trên các phương tiện thông tin truyền thông lớn như CNN, Fox, CNBC, Furniture Today, Technology Review...

Liên kết với Việt Kiều giúp thu thập thông tin, làm nhân mối tiếp cận kênh phân phối sản phẩm hoặc trực tiếp nhận làm địa lý cho doanh nghiệp Việt Nam về mặt xuất khẩu cũng như về nhập khẩu.

Tận dụng thế xuất siêu vào Hoa Kỳ, cần xúc tác cả mặt nhập khẩu để tranh thủ tiếp nhận thành quả của nền khoa học- kỹ thuật hàng đầu thế giới. Do đó cần tiếp cận các nhà xuất khẩu lớn để nhập khẩu thiết bị, kỹ thuật tiên tiến, tin cậy với giá hợp lý nhất.

Nguồn: Cổng Thương vụ