Tin tức

Thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung có phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến?

11/02/2019    83

Ngày 01/02, chỉ một ngày sau khi các cuộc đàm phán song phương cấp cao mang lại tiến bộ cho một thỏa thuận thương mại và cam kết của Trung Quốc đối với Mỹ, các công ty Trung Quốc đã nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn đậu nành của Mỹ.

Mặc dù Mỹ có thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là lý do tại sao nước này áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tăng thuế sau khi kết thúc thời hạn đình chiến 90 ngày vào ngày 01/3 tới. Vậy thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung có phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến?

Mục đích của việc Mỹ áp đặt thuế quan cao là để khiến Trung Quốc chấm dứt chính sách đánh cắp công nghệ của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc gọi cuộc xung đột giữa hai nước là một cuộc chiến thương mại vì hy vọng rằng việc nhập khẩu thêm số lượng lớn các sản phẩm của Mỹ sẽ khiến Mỹ chấm dứt thuế quan. Do đó, các nhà đàm phán Trung Quốc gần đây đã đưa ra kế hoạch mua đủ số lượng các sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại xuống 0 vào năm 2024. Ngược lại, các nhà đàm phán Mỹ đã bác bỏ điều đó như một cách để chấm dứt tranh chấp. Mỹ muốn Trung Quốc ngừng yêu cầu các công ty Mỹ muốn kinh doanh tại Trung Quốc phải có đối tác Trung Quốc và chia sẻ công nghệ của họ với đối tác đó. Chính sách đó bị cấm rõ ràng bởi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, mà Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng kể từ khi họ gia nhập WTO vào năm 2001.

Trung Quốc phủ nhận rằng họ đang vi phạm quy tắc đó, và cho rằng các công ty Mỹ không bị buộc phải chia sẻ công nghệ: họ làm như vậy một cách tự nguyện để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc và các cơ hội sản xuất của Trung Quốc. Nhưng các công ty Mỹ coi hành vi của Trung Quốc là một hình thức tống tiền. Mỹ cũng muốn Trung Quốc ngừng sử dụng gián điệp mạng để đánh cắp công nghệ và các bí mật công nghiệp khác từ các công ty Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý chấm dứt hành vi trộm cắp kỹ thuật số như vậy đối với công nghệ công nghiệp của Mỹ sau cuộc gặp với Cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được tại thời điểm đó là rất hẹp, chỉ đề cập đến hành vi trộm cắp tài sản công nghệ của cả hai chính phủ. Mặc dù thỏa thuận đã dẫn đến việc giảm tạm thời hành vi trộm cắp công nghệ công nghiệp, các cuộc tấn công mạng vào các công ty của Mỹ, có thể được thực hiện bởi các doanh nghiệp Trung Quốc và các tổ chức tinh vi khác, đã tăng trở lại trong những năm gần đây.

Trung Quốc sử dụng công nghệ bị đánh cắp để cạnh tranh với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới. Đại diện Thương mại Mỹ mới đây ước tính rằng hành vi trộm cắp công nghệ này đang khiến nền kinh tế Mỹ tiêu tốn từ 225 tỷ đến 600 tỷ đô la mỗi năm. Và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã khẳng định rằng hành vi trộm cắp công nghệ mạng của Trung Quốc là một mối đe dọa “nghiêm trọng nhất” đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Tương tự như vậy, một bản báo cáo dài 142 trang về cuộc xung đột Mỹ-Trung của Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đã nhấn mạnh vấn đề trộm cắp công nghệ. Báo cáo không có dẫn chiếu nào đến cán cân thương mại. Điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa, bởi vì các tác giả hiểu thực tế kinh tế cơ bản rằng sự mất cân bằng thương mại toàn cầu của Mỹ là kết quả của điều kiện kinh tế ở Mỹ - sự dư thừa của đầu tư so với tiết kiệm.

Nếu Trung Quốc mua đủ hàng hóa của Mỹ để loại bỏ sự mất cân bằng song phương, thì sự mất cân bằng của Mỹ sẽ chỉ chuyển sang các quốc gia khác, mà không làm giảm sự mất cân bằng chung. Thuế quan của Mỹ rõ ràng đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang suy giảm đáng kể và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế hàng năm (điều chỉnh theo lạm phát) trong quý IV năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 4%. Chính quyền Trung Quốc đưa ra tuyên bố báo hiệu sự háo hức để ký kết thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn sự suy thoái kinh tế và đảo ngược sự suy giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhà Trắng cũng đưa ra những tuyên bố tích cực về cuộc đàm phán cấp cao ngày 30-31/01, bởi vì làm như vậy dường như để thúc đẩy thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Nhưng thực tế là chưa có tiến bộ nào trong việc xử lý vấn đề cơ bản của trộm cắp công nghệ.

Chính phủ Mỹ không muốn ngăn chặn sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hay sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nhưng ăn cắp công nghệ là vẫn đề nghiêm trọng, đã diễn ra quá lâu và không được phép tiếp tục. Vì vậy, Mỹ quyết tâm ngăn chặn nó. Nếu không có gì được giải quyết trước ngày 01 tháng 3, Mỹ sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Điều đó sẽ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc hơn nữa và khiến chính quyền Trung Quốc thực hiện các yêu cầu của Hoa Kỳ nghiêm túc hơn.

Nguồn: Báo Công thương