Tin tức

CPTPP: Những cam kết về lao động và công đoàn

30/01/2019    1122

Vấn đề phức tạp và khó khăn

Theo đó, với CPTPP quyền tự do thành lập công đoàn được trao cho công nhân ở cơ sở. Họ tự do liên kết hoặc không liên kết lập tổ chức công đoàn cơ sở. Nghĩa là họ có quyền tham gia, gia nhập vào tổ chức công đoàn, liên kết hiệp hội công đoàn, tạo ra một hệ thống 2 công đoàn. Cán bộ quản lý doanh nghiệp không được tham gia vào ban chấp hành công đoàn.

Ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động có quyền lựa chọn người đại diện cho mình trong thương lượng với chủ sử dụng lao động mà không buộc tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho họ, trừ khi họ có yêu cầu trợ giúp.

Đảm bảo tính độc lập của công đoàn cơ sở trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản, tài chính. Ngoài ra, CPTPP còn hạn chế các ngành nghề cấm đình công. Cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em.

Những quy định này được đánh giá là cực kỳ khó khăn nhất, phức tạp nhất đối dù Việt Nam được ân hạn 5 năm.

Trước đó, tại tọa đàm báo chí về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo quy định, khi đàm phán và gia nhập hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Cụ thể, năm 1995, mới chỉ có 3 hiệp định FTA với nội dung cam kết về lao động (7,3%); đến năm 2016, đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (28,8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (rơi vào các hiệp định của Mỹ, Canada và EU).

Cần lộ trình sửa đổi phù hợp

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, hiện, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP. Trong số những điều khoản cần sửa đổi, có điều khoản về công đoàn. Đây là một vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, cần có quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về vấn đề này.

“Riêng đối với lĩnh vực lao động, việc làm, thách thức đối với Việt Nam là tuân thủ về lao động, sự chuẩn bị nguồn nhân lực. Do vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động để bảo đảm hàng hóa Việt Nam được các thị trường tham gia hiệp định chấp nhận”, ông Cường nói.

Theo đó, để cụ thể hóa những cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động, Việt Nam cần có một quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động theo đúng trình tự, thủ tục. “Việt Nam cần khoảng thời gian từ 3 - 5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó, nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả”, ông Cường nói và nhấn mạnh quan điểm: “Đây là sức ép rất tốt để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các vấn đề lao động”.

Đồng thời, ông Cường cũng cho biết thêm, trong cam kết CPTPP có quy định về tăng cường năng lực thực thi pháp luật của quốc gia. Một mặt phải rà soát, sửa đổi bộ sung luật và các quy định dưới luật. Mặt khác, việc tổ chức thực thi nhấn mạnh đến tăng cường năng lực thanh tra lao động. 

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp