Tin tức

Cảnh báo về Dự thảo sửa đổi Chỉ thị 2009/48/EC đối với sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em

24/01/2019    142

Thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa theo Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức thương mại thế giới WTO, vào ngày 18/12/2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã gửi thông báo mã G/TBT/N/EU/635 về Dự thảo Chỉ thị của Ủy ban Châu Âu sửa đổi phần C của Phụ lục II của Chỉ thị 2009/48/EC của Hội đồng và Nghị Viện Châu Âu nhằm mục đích áp dụng các giới hạn giá trị đối với formaldehyde được sử dụng trong một số đồ chơi cụ thể dành cho trẻ em dưới 14 tuổi. Thời hạn cho các nước Thành viên WTO đóng góp ý kiến là hết ngày 18/02/2019 (60 ngày kể từ ngày thông báo).

Với mục đích nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, dự thảo này bao gồm giá trị giới hạn cụ thể đối với formalde trong các nguyên liệu đồ chơi trẻ em từ polymer; gỗ nhựa; vải dệt; giấy và dạng nước, cụ thể:

- Mức giới hạn của formaldehyde đối với nguyên liệu đồ chơi trẻ em từ polymer là: 1,5 mg/l;
- Mức giới hạn của formaldehyde đối với nguyên liệu đồ chơi trẻ em từ gỗ nhựa là: 0,1 ml/m3 (giới hạn khí thải);
- Mức giới hạn của formaldehyde đối với nguyên liệu đồ chơi trẻ em từ vải dệt, da và giấy là: 30 mg/kg (giới hạn thành phần);
- Mức giới hạn của formaldehyde đối với nguyên liệu đồ chơi trẻ em từ dạng nước là: 10 mg/kg (giới hạn thành phần).

Dựa vào những thông tin nêu trên, Văn phòng TBT gửi đề nghị tới các đơn vị của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan xem xét tham khảo các quy định của EU nhằm đánh giá sự cần thiết phải xây dựng một số biện pháp kỹ thuật của Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng và xem xét phòng chống ảnh hưởng cua Dự thảo sửa đổi Chỉ thị này tới Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Văn phòng TBT tiếp nhận góp ý của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có khó khăn khi áp dụng quy định này trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU trước ngày 14/02/2019. Ý kiến của doanh nghiệp sẽ được Văn phòng TBT Việt Nam tổng hợp gửi cho cơ quan liên quan của EU để được xem xét, tiếp thu.

Mọi thông tin và ý kiến góp ý vui lòng liên hệ Văn phòng TBT Việt Nam, điện thoại 0243.7912.145, email tbtvn@tcvn.gov.vn

Dự thảo được đính kèm dưới đây