Tận dụng ưu đãi trong AANZFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam
25/07/2016 659Thời gian: 2015
Đơn vị thực hiện: Bộ Công Thương
Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – Niu Di Lân (AANZFTA) được ký vào ngày 27/02/2009 tại Thái Lan và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Đây là Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất mà ASEAN từng ký kết với các đối tác đối thoại. Hiệp định thực hiện mục tiêu hội nhập 12 thị trường nhỏ thành một thị trường lớn với khoảng 650 triệu dân và tổng GDP lên tới 4,1 nghìn tỷ USD [54]. Hiệp định có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Úc, Niu Di Lân. Hiệp định bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử… . Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là cam kết cắt giảm thuế quan. Các nước thống nhất cắt giảm từ 90%-100% các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Theo đánh giá chung, Hiệp định sẽ đem lại các lợi ích chính cho ASEAN và Úc, Niu Di Lân như mở cửa thị trường sâu rộng hơn cho các nhà xuất khẩu/sản xuất trong khu vực, thúc đẩy cắt giảm chi phí sản xuất, tạo cơ hội mở rộng mạng lưới công việc và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu vực.
AANZFTA là hiệp định thương mại tự do ASEAN+ thứ năm mà Việt Nam tham gia. Các nước ASEAN-6 (Xin-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Bru-nây) tham gia hiệp định thương mại tự do sớm hơn Việt Nam nên tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do tốt hơn nước ta. Tận dụng ưu đãi trong hiệp định thương mại tự do là sử dụng tối đa những điều kiện và quyền lợi mà nước tham gia được hưởng trong quá trình thực thi Hiệp định.
Hiệp định AANZFTA có giá trị hiệu lực từ năm 2010 đến nay, các nước tham gia đã tiến hành cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết. Điều này đã và đang tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của các nước thành viên thâm nhập vào thị trường của nhau. Một số nước ASEAN tận dụng rất hiệu quả những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc và Niu Di Lân, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, điển hình là Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ba nước ASEAN sang Úc và Niu Di Lân có tận dụng ưu đãi từ AANZFTA chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang hai thị trường này giai đoạn 2010-2014. Sau ba nước này là In-đô-nê-xi-a cũng tận dụng tốt những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc và Niu Di Lân.
Úc là một trong những quốc gia nhập khẩu lớn trên thế giới, phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Úc và Niu Di Lân là hai thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở khu vực châu Đại Dương. Hai thị trường này có nhu cầu nhập khẩu cao những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của nước ta như thủy sản, đồ gỗ, giày dép, dệt may… . Hiệp định AANZFTA có giá trị hiệu lực, hàng rào thuế quan của Úc và Niu Di Lân giảm xuống tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường này. Các mức thuế ưu đãi dành cho hàng hóa và các sản phẩm trung gian nhập khẩu giảm xuống. Theo cam kết trong Hiệp định, Úc và Niu Di Lân sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch động thực vật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Như vậy, thông qua Hiệp định, doanh nghiệp và hàng hóa nước ta có cơ hội tiếp cận thuận lợi và khai thác tốt thị trường hai nước này.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông thủy sản, hàng tiêu dùng như: hàng rau quả, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… sang Úc và Niu Di Lân. Đây là những nhóm hàng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong AANZFTA. Sau hơn 5 năm thực thi Hiệp định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Úc và Niu Di Lân có mức tăng trưởng (12,90%/năm) cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định (4,67%/năm). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc và Niu Di Lân có tận dụng ưu đãi từ AANZFTA chỉ chiếm 19,54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang hai thị trường này giai đoạn 2010-2014.
Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển định hướng xuất khẩu, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia đối tác. Hiệp định AANZFTA thực hiện được hơn 5 năm, hàng rào thuế quan đang giảm đáng kể, tuy nhiên Việt Nam chưa tận dụng được nhiều ưu đãi từ Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc và Niu Di Lân, trong khi các nước ASEAN khác lại tận dụng hiệu quả những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang hai thị trường này, như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a. Mức tận dụng ưu đãi của bốn nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Úc và Niu Di Lân giai đoạn 2010-2014 lần lượt là 33,84%/năm, 32,43%/năm, 35,11%/năm và 25,08%/năm. Vì vậy, kinh nghiệm của bốn nước ASEAN về tận dụng ưu đãi từ AANZFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc và Niu Di Lân là những bài học quý cho Việt Nam trong việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường hai nước này.
Việt Nam đã và đang tiếp tục đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác nhau để khai thác lợi thế so sánh của đất nước trong phát triển xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, có những Hiệp định đã ký kết và có hiệu lực nhưng chúng ta chưa tận dụng được các ưu đãi và đối phó tốt với các thách thức. Một trong những nguyên nhân là do Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước ASEAN về tận dụng ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng tốt hơn những ưu đãi trong Hiệp định này nói riêng, các Hiệp định thương mại tự do đang thực thi và sắp được ký kết nói chung. Trên cơ sở đó, cuốn sách này góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc tham khảo kinh nghiệm về tận dụng ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc và Niu Di Lân.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Công Thương đã biên tập, tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản. Mặc dù vậy, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Vì vậy, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề này.
Ấn phẩm được đính kèm dưới đây