Tin tức

Châu Phi sẽ trở thành tâm điểm của năm 2019 với khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

28/12/2018    115

Năm 2018 chuẩn bị kết thúc cũng đồng nghĩa với việc đếm ngược để thành lập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới đang đến gần hơn bao giờ hết. Đó là việc thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới cách đây 70 năm với nền tảng của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1948.

Nếu có thêm 7 quốc gia trong số 22 quốc gia được yêu cầu phê chuẩn hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) thì không chỉ là hình thành một thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ ở châu Phi mà còn đưa giấc mơ châu Phi trở thành hiện thực.

Hiệp định này là một dự án hàng đầu trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, nhằm tự do hóa thương mại nội khối châu Phi, tạo công ăn việc làm, xóa bỏ thuế quan và hài hòa các cộng đồng kinh tế khu vực hiện có ở châu Phi. Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ bao gồm một thị trường 1,2 tỷ dân tại 55 quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,5 nghìn tỷ USD.

Liên minh châu Phi cho biết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế xuất khẩu hiện ở mức trung bình 6,1% và thúc đẩy thương mại nội địa châu Phi tăng hơn 52% sau khi thuế nhập khẩu được loại bỏ. Hiệp định tập trung vào việc đa dạng hóa xuất khẩu thương mại và tăng cường cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào nhiều thị trường trong khu vực. Bằng cách mở cửa các biên giới, có nhiều cơ hội gia tăng cơ hội việc làm cho dân số thanh niên đang tăng cao ở châu Phi, đặc biệt là phụ nữ, chiếm 70% các giao dịch thương mại xuyên biên giới và quy mô nhỏ. Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc về châu Phi đã kêu gọi các quốc gia nhỏ hơn và ít công nghiệp hóa hơn cũng như các quốc gia lớn hơn nắm lấy hiệp định này vì nó sẽ cải thiện thuận lợi hóa thương mại và hợp tác hải quan.

Với hiệp định này, châu Phi sẽ trở thành tâm điểm của năm 2019, các nước châu Phi có thể được dịch chuyển sang một hướng khác với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hoặc nước Anh sau Brexit vào năm 2019, nơi mà thương mại song phương dường như là chủ trương ưa thích của họ trong tương lai. Động thái tăng cường hội nhập kinh tế cũng diễn ra khi các khu vực khác trên toàn cầu thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và từng bước tiến tới mối liên kết thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn. Vào tháng 3/2018, 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và ngay cả khi đối mặt với chủ nghĩa dân túy ở Liên minh châu Âu, khu vực này đã đề xuất một bộ trưởng tài chính thống nhất và một thị trường chung để quản lý nợ.
Với tất cả các lợi ích của mình, AfCFTA đã có một sự khởi đầu không ổn định với các quốc gia bao gồm Nigeria từ chối ký kết hiệp định, chứ chưa nói đến việc phê chuẩn. Tính đến ngày 25/12, có 49 quốc gia đã ký hiệp định và 15 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định. Để đạt được số phiếu cần thiết, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để thảo luận về các quy định cụ thể liên quan đến đầu tư, cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh các chính sách về thương mại điện tử. Liên minh châu Phi tin tưởng rằng, với số phiếu còn lại cần thiết để hiệu lực hóa AfCFTA sẽ được bảo đảm trước hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi sắp tới vào tháng 2/2019.

Nguồn: Báo Công Thương