Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới
28/11/2018 171Với lực lượng lao động trẻ dồi dào được đào tạo cơ bản, cần cù, có kỹ năng và năng lực tiếp thu, nắm bắt các tiến bộ công nghệ, Việt Nam là một điểm tựa cho các tập đoàn đa quốc gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có diễn văn phát biểu như trên với hàng trăm lãnh đạo cấp cao và CEO từ hơn 60 quốc gia và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2018 diễn ra tại tỉnh Bình Dương vào ngày 26-11.
Theo Phó Thủ tướng, cả nước hiện có gần 26.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ gần 130 quốc gia và đối tác đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỉ đô la Mỹ. Với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam hiện là đối tác thương mại tin cậy, năng động; có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của WTO, đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tháng 11 này, Việt Nam cũng đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP và đang cùng EU nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý để tiến tới sớm ký và phê chuẩn FTA Việt Nam-EU.
Theo Phó Thủ tướng, các hiệp định FTA này đang mở rộng cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Ông cho rằng với nền tảng kinh tế mở và hội nhập như vậy, giờ đây Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được. Việc tham gia nhiều liên kết kinh tế quan trọng trên thế giới đã tạo nên sự đa đạng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, giúp giảm thiểu tác động của các rủi ro thương mại quốc tế. Có thể nói, tham gia thị trường Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới.
Theo ông, Bình Dương là một trong những địa phương thực sự năng động, dẫn đầu cả nước trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, là địa phương thu hút FDI hàng đầu của Việt Nam.
Làn sóng công nghệ đột phá trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với sự phát triển của các quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Ông khẳng định Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ tiếp cận làn sóng công nghệ mới nhằm tạo ra các xung lực mới cho phát triển.
Và tại diễn đàn này, ông nhấn mạnh một số trọng tâm mà Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam đang triển khai: đó là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ. Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN và hướng đến tiêu chuẩn của các nước OECD về năng lực cạnh tranh.
Chính phủ chỉ đạo từng Bộ, ngành, địa phương có chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể bảo đảm môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, thông thoáng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình theo tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Chính phủ tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, bảo hộ quyền tài sản, thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong CMCN 4.0.
Đáng chú ý là tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa cao; khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP),...
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết WTO, tự do hóa thương mại trong ASEAN và các FTA đã ký, trong đó có Hiệp định CPTPP. Việc triển khai các cam kết này mở ra cơ hội lớn về tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi hơn và phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Tiến sĩ Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis, cho rằng Việt Nam là một trường hợp thành công điển hình, chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo khuyến khích doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ và tiến bộ công nghệ. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt dựa vào nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Horasis tin tưởng sự hợp tác dài hạn với Việt Nam và kêu gọi các thành viên đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại diễn đàn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng Việt Nam hiện đang là một trong những điểm đến quan trọng nhờ kinh tế phát triển cao - ổn định, lao động có tay nghề, và hội nhập sâu rộng cũng như môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định Horasis 2018 được tổ chức tại Bình Dương là sự kiện quốc tế đặc biệt đối với nhân dân tỉnh nhà, mở ra cơ hội quan trọng để Bình Dương và các doanh nghiệp tham dự diễn đàn tăng cường phát triển hệ thống thương mại đa phương mở; thúc đẩy tự do hóa mậu dịch, đầu tư và hợp tác kinh tế vì lợi ích chung của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác trên thế giới.
Nguồn: The Saigon Times
- Ông Trump nêu điều kiện để dỡ bỏ thuế quan áp lên Trung Quốc
- Ông Trump tìm cách trấn an người Mỹ về cuộc chiến thuế quan
- Tận dụng FTA giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
- Trung Quốc âm thầm miễn thuế quan trả đũa với một số hàng hóa Mỹ
- Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt, giảm rủi ro thuế quan