Tin tức

Phản đối thuế CBPG giá cá tra: Việt Nam có thể ngừng nhập nguyên liệu thức ăn cá tra từ Mỹ

20/09/2010    109

“Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chỉ dựa vào nguồn số liệu được thu thập tại Phililpin để tính toán và áp giá cá tra nguyên liệu mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về sự thay đổi này. Điều này rất vô lý!”.

Đây là khẳng định của Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng trong buổi họp báo sáng nay (17/9) tại Hà Nội.

Sự vô lý...

Ngày 15/9/2010, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 06, giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009, thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo đó, trong đợt rà soát hành chính lần 06, DOC chỉ dựa vào nguồn số liệu được thu thập từ 36 ao nuôi cá có tổng sản lượng là 12 tấn cá nuôi tại Phililpin để tính toán giá cá tra nguyên liệu và không đưa ra bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về việc ngành cá tra Philippin đã được cải thiện, phù hợp hơn Bangladesh mà DOC đã liên tục sử dụng làm giá trị thay thế đối với cá tra Việt Nam trong 5 năm qua.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc sử dụng số liệu cá tra tại Philippin để tính toán biên độ phá giá cho cá tra Việt Nam là bất hợp lý vì Việt Nam là quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất trên thế giới với khối lượng trên 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm, trong khi ngành cá tra của Philippin rất nhỏ lẻ và sơ khai, quy trình nuôi, chế biến chưa đồng bộ khiến cho giá thành sản xuất cá tra luôn ở mức cao.

Cụ thể, đợt rà soát thuế bán phá giá lần này, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải đóng đến 4,22 USD cho một kg cá phi lê đông lạnh. Theo các doanh nghiệp Việt Nam, mức thuế này cao hơn cả giá bán thực tế trên thị trường Mỹ.

Quyết định sơ bộ của DOC đã vi phạm các nguyên tắc khung về luật pháp và chính sách của chính tổ chức này. Hơn nữa, biên độ phá giá được tính toán trong quyết định hoàn toàn không có tính thuyết phục bởi Philippines là nước có quy mô ngành công nghiệp cá nheo nhỏ lẻ, sơ khai, quy trình chăn nuôi, chế biến chưa đồng bộ.

Trong khi đó, sản lượng cá tra năm 2009 của Philippines chỉ đạt 12,18 tấn, lại không hề xuất khẩu cá tra. “Trong tất cả những lần xem xét hành chính trước đây, DOC đã kiên quyết từ chối Philippines do những lý do này. Tuy nhiên, lần này không hiểu vì sao DOC lại có sự thay đổi đột ngột như vậy?”, Phó chủ tịch Hiệp hội VASEP Nguyễn Hữu Dũng đặt câu hỏi.

Do đó, VASEP rất bất bình trước việc DOC đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam, đồng thời phản đối mức thuế trong kết quả sơ bộ cho đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 06 của DOC.

Các DN Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng!

Việc thiếu khách quan của DOC khi chọn Philippin là quốc gia thay thế làm giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam thực chất là nhằm bảo hộ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thì việc chọn Philippin làm quốc gia thay thế của DOC sẽ ảnh hưởng nguy hại đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu nông dân nuôi cá tra của Việt Nam, đồng thời gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và đe dọa việc làm của hàng vạn người lao động Mỹ trong lĩnh vực liên quan đến sản phẩm cá tra nhập khẩu.

“Cuộc sống của hàng triệu nông dân nuôi cá tra Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể ngừng nhập nguyên liệu thức ăn cá tra từ Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, để trả đũa việc áp thuế chống bán phá giá của nước này”, ông Dũng khẳng định.

Theo VASEP, không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam mà ngay cả các hiệp hội ngũ cốc, dầu cá, bột cá và đậu nành của Hoa Kỳ đều hết sức quan tâm đến quyết định này của DOC.

Bởi Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu cho nuôi trồng cá tra Việt Nam. “Vì vậy, nếu Mỹ không tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang nước này, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, do đó chúng ta cũng có thể làm ngược lại”, ông Dũng nói.

Mức thuế này cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp chế biến cá tra phi lê xuất sang các nước thứ 3 bị ảnh hưởng, gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và đe dọa việc làm của hàng vạn người lao động Hoa Kỳ.

Theo VASEP, các mức thuế dự kiến áp cho các doanh nghiệp Việt Nam đều cao hơn 100%, vượt xa so với các kết quả trước đó trong vụ kiện chống bán phá giá phi lê đã kéo dài 8 năm nay, và thực chất là mang tính trừng phạt đối với việc xuất khẩu phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam. 

Vì vậy, VASEP và các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu Bộ Thương Mại thay đổi quyết định trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 06 của vụ kiện theo luật pháp Hoa Kỳ cũng như các thỏa thuận của WTO.

VASEP cho biết, trong thời gian tới sẽ cùng với doanh nghiệp cá tra tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp. Dự kiến VASEP sẽ thông qua các hoạt động pháp lý để yêu cầu DOC thay đổi quyết định trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 6, theo như các thỏa thuận của WTO.

Kết quả cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ được ban hành vào tháng 3/2011 và có hiệu lực sau một tuần ban hành. 

Nguồn: InfoTV