Quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch sẽ phát triển mạnh
14/09/2010 72Nhân dịp Đại sứ quán Đan Mạch công bố khoản tài trợ 123 triệu curon (tương đương 422 tỷ VND) cho chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (BSPS) tại Việt Nam, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ngài đại sứ John Neilsen.
Thưa ngài đại sứ, được biết từ năm 2005 đến năm 2009, Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (Danida) cũng đã có chương trình tài trợ 119 triệu curon (khoảng 33 triệu USD) cho sự phát triển của các doanh nghiệp khu vực tư nhân ở Việt Nam. Ngài đánh giá như thế nào về kết quả của chương trình?
- Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có kết quả rất cao với 96 dự án được tài trợ. Tháng 4/2010, chúng tôi đã có một phái đoàn sang đánh giá kết quả của chương trình. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ đã phát triển rất tốt, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã có thể xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh ngay trong nước…Đó cũng là lý do để chúng tôi tiếp tục chương trình BSPS tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, từ năm 2011 đến năm 2013.
Ngài có thể giới thiệu chi tiết hơn về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới, trị giá 123 triệu curon mà Chính phủ Đan Mạch vừa phê duyệt cho Việt Nam?
- Chương trình này đã được Chính phủ Đan Mạch chính thức phê duyệt ngày 8/9/2010 vừa qua. Hiện chương trình đang chờ Chính phủ Việt Nam thẩm định và phê duyệt. Hiệp định hợp tác giữa 2 Chính phủ dự định sẽ được ký kết trước tháng 12 năm nay nhằm đảm bảo chương trình sẽ được triển khai từ tháng 1/2011.
Với mục tiêu “tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam hướng vào tăng trưởng, xuất khẩu và tạo việc làm”, hỗ trợ lần này sẽ bao gồm 3 phần: Phần 1 là chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trong các ngành hướng vào xuất khẩu ở 8 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Đăk Lăk, An Giang và Cần Thơ với ngân sách tài trợ khoảng 216 tỷ đồng (63 triệu curon); phần 2 là giúp cải thiện điều kiện lao động tại các doanh nghiệp tư nhân trên cả nước (thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) với ngân sách 172 tỷ đồng (50 triệu Curon); phần 3 là hỗ trợ nghiên cứu khối doanh nghiệp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu và phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế tại Việt Nam. Ngân sách tài trợ cho phần này là 31 tỷ đồng (9 triệu curon).
Thưa ngài, tại sao chương trình lại tập trung vào 8 tỉnh trên mà không phải những địa phương khác? Việc tài trợ có tập trung vào một số ngành xuất khẩu chính hay không? Và mức tài trợ cao nhất là bao nhiêu?
- Chúng tôi không lựa chọn ngành nào là mũi nhọn mà tập trung vào nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cạnh tranh và xuất đi nhiều thị trường trên thế giới. Chúng tôi lựa chọn 8 tỉnh đó vì đây là những tỉnh còn nghèo và chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều. Mức tài trợ cao nhất có thể lên tới 200.000 USD/dự án (có khoảng 50 dự án sẽ được lựa chọn trong phần tài trợ thứ nhất).
Được biết, đây cũng là nhiệm kỳ mới của đại sứ ở Việt Nam, vậy kỳ vọng của ngài trong nhiệm kỳ này là gì?
- Như các bạn đã biết, từ năm 1994, Chính phủ Đan Mạch đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước đã phát triển trên nhiều phương diện: chính trị, ngoại giao, trao đổi văn hóa… Hiện cũng đã có 100 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, tôi mong muốn quan hệ giữa 2 nước sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là quan hệ thương mại sẽ phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi cũng hy vọng, kết thúc chương trình hỗ trợ mới mà Chính phủ Đan Mạch mới thông qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động…
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
- Ông Trump nêu điều kiện để dỡ bỏ thuế quan áp lên Trung Quốc
- Ông Trump tìm cách trấn an người Mỹ về cuộc chiến thuế quan
- Tận dụng FTA giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
- Trung Quốc âm thầm miễn thuế quan trả đũa với một số hàng hóa Mỹ
- Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt, giảm rủi ro thuế quan