Tin tức

EU xoay trục sang châu Á

25/10/2018    152

Chưa có Hội nghị Cấp cao Á- Âu (ASEM) nào mà Liên minh châu Âu (EU) lại coi trọng châu Á như ASEM lần thứ 12 được tổ chức vừa qua tại thủ đô Brussels, Bỉ.

ASEM-12 là dịp để EU chứng minh với các nước châu Á rằng, chiến lược xoay trục về châu Á lần này của EU là thực sự, chứ không "đánh trống bỏ dùi" như không ít lần trước đó.

Chiến lược kết nối của EU

Tại ASEM-12, EU đã chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi là Chiến lược kết nối Á- Âu. Đây là lần đầu tiên EU có được chiến lược rõ ràng đối với các nước châu Á. Không ít người ở trong cũng như ngoài châu Âu nhìn nhận đó là câu trả lời của EU đối với những chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác, như Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hay như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia với Tứ giác kim cương cho khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Có nghĩa là, chiến lược này nhằm vừa ganh đua với các chiến lược hợp tác liên châu lục khác, vừa có thể kết nối với các chiến lược đó.

Khái niệm "kết nối" trong chiến lược này của EU có nghĩa là kết nối nhiều cái riêng lẻ với nhau thành mạng lưới để có thể vươn ra rất xa, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng ở đó. Trong chiến lược này, EU tập trung cho kết nối trên các lĩnh vực giao thông, năng lượng, ứng dụng công nghệ số và kết nối con người với nhau. Mục tiêu của EU là hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển và hàng không để tận dụng cơ hội ở khắp hai châu lục. Trong đó, EU đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ cần thiết cho giao thông và vận tải cũng như bảo vệ môi trường sinh thái trong giao thông và vận tải. Bên cạnh đó, EU cũng muốn xây dựng mạng lưới mới về năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, EU còn hướng tới việc tạo nên mạng lưới trên phương diện sử dụng ứng dụng công nghệ số, nhìn nhận công nghệ số là một trong những lĩnh vực quyết định tương lai của nhân loại. Đặc biệt, tất cả những gì liên quan đến đời sống và xã hội loài người cũng được EU nhìn nhận đến khi xác định nội hàm cho khái niệm "kết nối": giáo dục và đào tạo, du lịch và trao đổi văn hoá...

Việc các quốc gia, như Việt Nam, Singapore… tham gia vào chiến lược kết nối Á-Âu đồng thời với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với EU thông qua các FTA là thức thời và khả thi.

Theo đó, ba tiêu chí cơ bản được EU xác định ra cho chiến lược "kết nối" nói trên là bền vững, toàn diện và dựa trên những nguyên tắc quốc tế chung.

Tận dụng triệt để cơ hội

Chiến lược nói trên của EU được đưa ra nhằm tập hợp lực lượng trên thế giới, đặc biệt là tranh thủ và lôi kéo các nước châu Á về phía mình để cùng phất cao ngọn cờ "tự do thương mai" để thúc đẩy hợp tác và liên kết liên châu lục để đối phó với chủ trương bảo hộ thương mại của Mỹ. Đồng thời với việc công bố chiến lược nói trên, nhiều chính khách của EU tại ASEM-12 đã dùng ngôn từ mạnh mẽ thể hiện sự đối nghịch quan điểm với Mỹ về chính sách thương mại.

ASEM là diễn đàn đa phương, nên EU đã tận dụng sự kiện để phát huy triệt để tác dụng về đa phương của hai sự kiện song phương, đó là ký kết Hiệp định thương mại tự do EU- Singapore (EUSFTA) và Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) để trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký kết và sau đó trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Cả hai sự kiện song phương này cũng toát lên chủ ý của EU là hướng về châu Á, tự do hoá mậu dịch, hợp tác và liên kết khu vực cũng như liên Châu lục.

Chiến lược kết nối Á- Âu cho thấy, một môi trường chính trị và kinh tế đối ngoại mới đang hình thành giữa EU và các quốc gia châu Á với những điều kiện thuận lợi hơn, giúp 2 Châu lục xích lại gần nhau hơn. EU cũng đã có sự chuẩn bị tốt về tài chính để thực hiện những ý tưởng và dự án hợp tác liên Châu lục theo chiến lược này. Những cơ hội ấy cần được các nước châu Á tiếp đón và khai thác hiệu quả. Đồng thời, các nước châu Á cũng cần khích lệ EU kiên định những định hướng chiến lược mới và quyết tâm thực hiện thành công chiến lược này. Việc các quốc gia, như Việt Nam, Singapore… tham gia vào chiến lược kết nối Á-Âu đồng thời với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với EU thông qua các FTA là cần thiết, thức thời và khả thi.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp