Tin tức

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài nhiều năm

13/08/2018    151

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài nhiều năm vì cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần thể hiện sức mạnh của mình để bảo đảm các triển vọng chính trị của họ ở trong nước.

Đó là nhận định của nhà phân tích chính trị Tom McGregor trong bài viết đăng trên trang tin Channel News Asia hôm 10-8.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng

Theo Tom McGregor, dù có nhiều dự báo cho rằng các hành động gây hấn thương mại của Trump nhằm vào Trung Quốc sẽ châm ngòi cho cuộc suy thoái trên toàn cầu nhưng Trump chắc chắn sẽ không đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không có ý định sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cả hai nhà lãnh đạo này đều nhận thấy rằng tương lai chính trị của họ sẽ tươi sáng hơn nếu như họ tìm cách kéo dài đàm phán thương mại trong nhiều năm.

Tom McGregor cho rằng nếu chỉ đọc các bản tin viết về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều người có thể suy đoán rằng hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngồi vào bàn đàm phán và ký kết thỏa thuận trong vài tháng tới. Nhiều bản tin báo chí cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đứng bên bờ vực sụp đổ nếu Bắc Kinh và Washington quyết tâm kéo dài cuộc chiến thương mại. Lập luận mà các bản tin này đưa ra là các mức thuế cao hơn sẽ đẩy tăng lạm phát ở Mỹ trong khi đó, nguy cơ Trung Quốc thoái trào với tư cách nhà sản xuất và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ kéo nền kinh tế toàn đi xuống do các tác động dây chuyền.

Song theo Tom McGregor, các dự báo đen tối này không phản ánh đúng các xu hướng kinh tế hiện tại của Mỹ và Trung Quốc. Trong quí 2 năm nay,  nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 4,1%, trong khi đó, GDP của Trung Quốc cũng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia dự báo các con số giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ suy giảm khi căng thẳng thương mại giữa hai nước này dâng cao nhưng thực tế lại không đúng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp dụng các biện pháp thương mại chống Bắc Kinh từ tháng 3-2018 nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng, từ mức 25,8 tỉ đô la Mỹ trong tháng 3, lên 27,9 tỉ đô trong tháng 4 và tiếp tục tăng lên các mức 33,1 tỉ và 33,4 tỉ đô trong tháng 5 và tháng 6.

Cả hai sẽ chiến đấu "với lửa giận và cuồng nộ"

Nhà phân tích Tom McGregor cho rằng điều mà Trump không muốn nhất lúc này là ông Tập xuất hiện tại Nhà Trắng và chấp nhận đàm phán theo các yêu cầu đặt ra của Mỹ. Trump đang muốn dựa vào thế đối đầu với ông Tập để giành lợi thế chính trị trong nước vì cả cử tri đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều ủng hộ các biện pháp thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Bằng tấn công thương mại Trung Quốc, Trump đang “đóng vai” “người hùng” trong mắt của nhiều cử tri. Trump muốn đảng Cộng hòa thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới. Việc đảng Cộng hòa tiếp tục nắm giữ đa số ghế tại Hạ viện và Thượng Mỹ sẽ tạo ra động lực lớn cho Trump mở cuộc vận động tái tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Cơ hội Trump tái đắc cử với tỷ lệ phiếu cách biệt so với các đối thủ có thể được bảo đảm nếu ông thu hút những cử tri công nhân đứng về phía mình.

Trong khi đó, ông Tập cũng phải chứng tỏ sức mạnh, đặc biệt là sau khi Quốc hội Trung Quốc quyết định bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh chủ tịch nước hồi tháng 3, mở đường cho ông cầm quyền thêm ít nhất một nhiệm kỳ năm năm nữa.

Trung Quốc đã chứng kiến các mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong nhiều năm nhưng đà tăng trưởng này không còn bền vững. Bắc Kinh cũng đang chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ chỗ dựa vào ngành sản xuất chi phí thấp và các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ sang mô hình đặt trọng tâm vào các công nghệ sáng tạo và sức tiêu thụ trong nước.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay nói chính xác hơn là cuộc đối đầu Trump-Tập có thể cung cấp cho Bắc Kinh động lực để thực hiện cải cách sâu rộng. Nếu nền kinh tế Trung Quốc đối mặt các thách thức, chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc có thể đổ lỗi cho Trump.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng nóng, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu công kích gay gắt Trump nhưng đó chỉ là biểu hiện của sự tuyệt vọng

Tuy nhiên, Tom McGregor cho rằng đừng kỳ vọng ông Tập sẽ chấp nhận “đầu hàng” và ngồi vào bàn đàm phán sớm. Nhà phân tích này dự báo cả hai sẽ chiến đấu với “lửa giận và cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến trước đó” để bảo vệ lợi ích của nước họ trong những năm tới. Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa kết thúc vào cuối năm nay.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn