Hệ lụy quan trọng nhất là khả năng WTO sụp đổ
09/07/2018 82Hệ lụy quan trọng nhất của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng không phải ở sự giảm sút thương mại quốc tế mà là khả năng sụp đổ của WTO và các trật tự kinh tế thế giới đã được cộng đồng quốc tế xây dựng từ sau Thế chiến thứ 2.
Thay vì kiện các hành vi bảo hộ thương mại của các nước đối tác ra tòa/trọng tài WTO hay hành xử theo các nguyên tắc của tổ chức này, Trump đã đơn phương khơi mào một cuộc chiến thương mại với những lý do an ninh quốc gia hết sức mơ hồ. Nước Mỹ từ nay không còn là một đối tác tin cẩn kể cả sau khi Trump ra đi, các hiệp ước/tổ chức quốc tế sẽ không còn là chỗ dựa cho các nước nhỏ khi xảy ra tranh chấp. Kinh tế thế giới có thể phải mất 10 năm để phục hồi sau một cuộc khủng hoảng lớn nhưng những trật tự quốc tế phải mất cả thế kỷ mới xây dựng được.
Riêng Việt Nam đã biết rất rõ quá trình gia nhập WTO vô cùng gian nan, hiểu rõ sẽ có những ràng buộc và khó khăn khi phải tuân thủ theo luật chơi của tổ chức này, song đó là điều chúng ta cần phải trả để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và có lợi về lâu dài. Chúng ta đã bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế, ví dụ trong vụ kiện phá giá cá ba sa ở Mỹ, nhưng chí ít WTO cũng mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam và đã thực sự đem lại nhiều lợi ích. Nếu sân chơi này không còn được các nước tôn trọng, Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề vì nền kinh tế của ta đã rất hướng ngoại. Lịch sử đã cho thấy các căng thẳng, đối đầu về kinh tế rất dễ dẫn đến đối đầu về ngoại giao, địa chính trị.
Dòng vốn gián tiếp luôn có tốc độ luân chuyển rất nhanh trừ khi các quốc gia đưa ra các biện pháp ngăn chặn như Malaysia thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1999. Trên lý thuyết, dòng vốn gián tiếp phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất, lợi tức và mức độ rủi ro của một thị trường. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay ECB của EU đang “bình thường hóa” chính sách tiền tệ, một cuộc chiến thương mại dù không quá lớn cũng đủ để gia tăng làn sóng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi do mức độ rủi ro gia tăng. Trên thực tế, dù cuộc chiến thương mại mới trong giai đoạn định hình và có thể sẽ giảm nhiệt nếu các bên thỏa hiệp, dòng vốn gián tiếp đã rục rịch rời khỏi một số thị trường mới nổi châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ) trong mấy tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chắc chắn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tâm lý tháo chạy này.
Không chỉ đợi đến khi có chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã từ lâu sử dụng tỷ giá như một công cụ kinh tế trợ giúp các hoạt động thương mại. Việc đồng nhân dân tệ của nước này sụt giảm liên tục trong hai tuần qua vừa phản ánh các yếu tố vĩ mô (Trung Quốc bắt đầu nới lỏng tiền tệ trong khi Fed tăng lãi suất) vừa là biện pháp phòng vệ với rủi ro chiến tranh thương mại. Cuộc chiến phá giá có thể diễn ra nếu các quốc gia không ngồi được vào bàn đàm phán. Trong trường hợp đó, những quốc gia có tỷ lệ nợ nước ngoài cao và dự trữ ngoại hối thấp sẽ dễ bị khủng hoảng thanh khoản quốc tế nếu phá giá quá nhanh, quá mạnh. Việt Nam nằm trong nhóm này nên nếu chiến tranh tiền tệ xảy ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ khó có thể chạy đua phá giá để giữ mức độ cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Bởi vậy, giảm giá nội tệ từ từ như Trung Quốc đang làm như một biện pháp phòng vệ trước khi một cuộc chiến tiền tệ có thể nổ ra là giải pháp Ngân hàng Nhà nước nên xem xét sớm.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Thấy gì từ thỏa thuận khung về thương mại Mỹ-Trung?
- Giữa tâm bão thuế quan, WTO phát thông báo quan trọng về thương mại toàn cầu
- UKVFTA và CPTPP: Xung lực lớn thúc đẩy thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh
- Đàm phán thuế quan Mỹ - Nhật Bản vào chặng nước rút