Đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trên thị trường nội địa
07/09/2010 109Liên tục trong các năm gần đây, giá cá tra xuất khẩu Việt Nam bị giảm sút trên thị trường thế giới. Năm 2010, giá xuất khẩu cá tra giảm từ 2,28 USD/kg (năm 2009) xuống còn 2,13 USD/kg. Trong khi đó, các rào cản thương mại ngày cành nhiều, đồng euro giảm giá so với đồng đôla Mỹ gây ra tác động tiêu cực đến đầu ra cá tra, cá ba sa.
Về phía người nuôi cá thì càng ngày họ càng phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn do tính thiếu bền vững của nghề này. Vì vậy, việc phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cá tra là một yêu cầu cấp thiết để giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ cá da trơn thị trường nội địa
Thời gian qua, xuất khẩu cá da trơn (đặc biệt là con cá tra) đã mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, nhưng do cá da trơn nguyên liệu không ổn định về giá cả cũng như số lượng nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nuôi cá da trơn ở ĐBSCL. Hiện nay, giá cá tra bán tại ao nuôi tỉnh Tiền Giang ở mức 15.800 đ/kg, với mức giá này, người nuôi bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg (giá thành cá tra hiện nay khoảng 16.500 đồng/kg). Cá tra được vận chuyển ra chợ được bán với giá 24.000- 26.000 đ/kg. Còn đối với cá basa được thu mua tại ao với giá 18.000- 19.000 đồng/kg và giá bán ở chợ là 30.000- 32.000 đồng/kg.
Khi các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa, cộng với đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần làm giảm sự bấp bênh của nghề nuôi cá tra. Do đó, cần phải nghiên cứu nghiêm túc hành vi của người tiêu dùng, nhất là liên quan đến nhu cầu để có biện pháp thâm nhập và phát triển phù hợp nhằm gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa.
Trường Đại học Cần Thơ đã có một nghiên cứu phân tích hành vi người tiêu dùng cá da trơn tập trung ở 5 tỉnh, thành phố phía Nam như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP.HCM. Theo kết quả nghiên cứu, nhu cầu tiêu dùng cá da trơn tùy thuộc vào thu nhập, đặc điểm từng địa phương, loại sản phẩm tiêu dùng (cá tra hay cá ba sa). Người tiêu dùng có mức thu nhập từ trung bình trở xuống (dưới 2,9 triệu đồng/tháng) có nhu cầu cá tra cao hơn cá ba sa; thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng kèm theo trình độ học vấn, nhu cầu về cá ba sa nhiều hơn cá tra trong điều kiện mức giá của hai loại cá này chênh lệch không quá lớn.
Qua kết quả nghiên cứu, có một vấn đề cần chú ý là: vùng có số hộ nuôi cá ba sa càng nhiều thì người tiêu dùng có nhu cầu càng ít. Chẳng hạn: 75% người tiêu dùng tại TP.HCM và 62,5% người tiêu dùng tại Cần Thơ thích mua cá ba sa nhiều hơn cá tra. Trong khi đó, tỷ lệ người mua cá ba sa giảm dần theo từng địa bàn như sau: Vĩnh Long 25%, Đồng Tháp 15% và An Giang 12,5%. Ba tiêu chí quyết định động cơ mua cá da trơn của người tiêu dùng nội địa là: giá bán chiếm 96,43%; sự thuận tiện chiếm 91,43%; cảm giác ngon của cá da trơn chiếm 85,71%. Động cơ mua cá da trơn cũng bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của từng địa phương, mục đích mua và chủng loại sản phẩm. Chẳng hạn người tiêu dùng ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho rằng, giá bán cá da trơn là yếu tố quan trọng nhất để họ mua, trong khi đó ở TP.HCM không quan tâm đến giá bán mà họ lại quan tâm đến tiêu chí sự thuận tiện dễ mua, cảm giác ngon, tính bổ dưỡng.
Chưa đầu tư đúng mức
“Phát triển thị trường nội địa không phải là sự “đầu hàng” ở sân chơi lớn, nhiều tiềm năng để trở về “ao làng” mà vấn đề ở đây là thị trường nội địa vẫn còn bỏ ngỏ, còn rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, dường như xuất khẩu là “mốt” của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, họ chỉ nhắm đến thị trường này, còn thị trường nội địa thì chưa quan tâm đúng mức. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn nhận đây là thị trường tiềm năng cần khai thác và bắt tay đầu tư mạnh mẽ” - một chuyên gia trong ngành Nông nghiệp Tiền Giang khẳng định.
Thực tế, trong những lần xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp thủy sản đã chú trọng phát triển thị trường nội địa, tuy nhiên việc phát triển thị trường nội địa này không thành công do gặp nhiều trở ngại. Khó khăn đầu tiên vẫn do đầu tư chưa đúng mức khi mà hiện nay các sản phẩm đông lạnh chỉ được tiêu thụ chủ yếu qua kênh siêu thị tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Các sản phẩm không thể vào các chợ (kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay), bởi ở chợ không được đầu tư phương tiện bảo quản các sản phẩm đông lạnh. Một lý do khiến các doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức cho “sân nhà” là giá hàng thủy sản xuất khẩu thường cao hơn tiêu thụ nội địa.
Để giải quyết những khó khăn này, Tiến sĩ Đỗ Văn Xê đề xuất: Các doanh nghiệp cần xác định loại sản phẩm phân phối tùy thuộc vào đặc điểm của từng vùng và thu nhập của người dân của vùng đó. Nơi người có thu nhập cao và ở vùng thành thị thì nên cung cấp cá ba sa, người dân có thu nhập thấp thì cung cấp nhiều cá tra hơn. Cần sản xuất nhiều loại sản phẩm có chất lượng và hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng đa dạng, trong đó thu nhập của khách hàng là yếu tố quan trọng. Sản phẩm có nguồn gốc từ cá sạch, bao bì vẻ bề ngoài bảo đảm sự tin cậy về chất lượng, có ghi thông tin đầy đủ về thành phần dinh dưỡng... để đáp ứng cho khách hàng có thu nhập cao. Sản phẩm có hình thức đơn giản và có giá rẻ để đáp ứng cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp.
Hiện nay, hệ thống siêu thị ngày càng phát triển, người dân- nhất là người có thu nhập cao- ngày càng có khuynh hướng vào siêu thị để làm chỗ dựa về đảm bảo chất lượng. Cần có mối liên kết với siêu thị để phát triển sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người có thu nhập cao và có thể bán được với giá ổn định. Đề xuất này rất phù hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khi có một nghiên cứu đầy đủ và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư thì cá tra, cá ba sa sẽ có chỗ đứng nhất định không chỉ ở thị thành mà ngay thị trường nông thôn...
Như vậy, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng cá da trơn ở một số địa phương, làm tiền đề cho việc đáp ứng nhu cầu nội địa đã có, vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần có cách nhìn đúng đắn và đầu tư vào thị trường này một cách bài bản nhằm phát triển thị trường nội địa, tạo điều kiện cho nghề nuôi cá tra phát triển ổn định.
Nguồn: Báo Công thương Điện tử
- Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia hội đàm, ký kết Bản Thỏa thuận Thúc đẩy Thương mại song phương giai đoạn 2025 - 2026
- Thủ tướng: Khẩn trương đàm phán ký thỏa thuận mua bán khí Methanol trị giá 6 tỷ USD, tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng, đề nghị Hoa Kỳ có giải pháp thuế đối ứng bằng 0...
- Mỹ mời Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này
- Tổng thống Donald Trump có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu phụ tùng ôtô
- Ông Trump nêu điều kiện để dỡ bỏ thuế quan áp lên Trung Quốc