Tin tức

Việt Nam tham gia nhiều FTA, nhập siêu có thể xuất hiện nhưng không đáng lo ngại

08/05/2018    59

Theo các chuyên gia, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam EU hay CPTPP..., khả năng đầu tư, nhập khẩu công nghệ, máy móc hiện đại vào Việt Nam sẽ gia tăng. Lúc đó, nhập siêu có thể xuất hiện nhưng không đáng lo ngại.

Nhập siêu có thể xuất hiện trở lại

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3 xuất siêu 2,26 tỷ USD. Tháng 4 ước tính tiếp tục xuất siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm xuất siêu 3,39 tỷ USD , trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,78 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,17 tỷ USD.

Đưa ra đánh giá về con số này, ông Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế cho rằng, cán cân thương mại như vậy rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là hiện nay tình trạng xuất siêu phần lớn vẫn do đóng góp của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn nhập siêu. 

Cũng theo ông Doanh, tình hình thị trường thế giới vẫn đang biến động, Mỹ có thể đánh thuế vào một số mặt hàng để giảm bớt nhập siêu vào nước này và nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam trong năm 2018.

Bằng chứng, hồi giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/8/2015 tới 31/7/2016).

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công Thương cho rằng, việc cả năm nay xuất siêu thì cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm được. 

Phân tích của đại diện Viện Nghiên cứu thương mại, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam EU hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., thì khả năng đầu tư, nhập khẩu công nghệ, máy móc hiện đại của Việt Nam sẽ gia tăng. Lúc đó sẽ thay đổi từ chỗ đang xuất siêu sang nhập siêu nhưng không đáng lo ngại.

“Trước đây, nhập siêu chủ yếu là nhập nguyên nhiên liệu, nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Còn tương lai, nhập siêu sẽ thay đổi về chất, tạo đà cho sự phát triển bền vững sau này”, đại diện Viện Nghiên cứu thương mại lý giải.

Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt mức ấn tượng

Theo số liệu vừa công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện trong tháng 3 vừa qua đạt 21.133 triệu USD, đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

So với số ước tính, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 cao hơn 1.333 triệu USD, trong đó có sự đóng góp tích cực của nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; thủy sản…

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 năm nay ước tính đạt 18,20 tỷ USD, giảm mạnh 13,9% so với tháng trước chủ yếu do số ngày làm việc trong tháng ít hơn 3 ngày so với tháng trước và các sản phẩm Galaxy S9, S9+ được Samsung tập trung xuất khẩu trong tháng 3.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như điện thoại và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD, tăng 36,8%; hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,8%...

Về nhập khẩu hàng hoá, trong tháng 4, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 17,50 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,90 tỷ USD, giảm 7,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,60 tỷ USD, giảm 7,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,31 tỷ USD, tăng 9,3%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 19,8%; vải tăng 5,6%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; ASEAN; Nhật Bản; EU; Hoa Kỳ…

                                                                                                           Nguồn: Việt Báo