Tin tức

TPP: Đi dễ, về khó

23/04/2018    49

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, Tổng thống D.Trump bất ngờ cho biết Mỹ có thể xem xét việc gia nhập lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại khu vực mà ông cho là “ức hiếp” nước Mỹ.

“(Mỹ) sẽ tham gia TPP nếu thỏa thuận này (có những điều khoản) tốt hơn một cách đáng kể so với những gì đạt được dưới thời Tổng thống Obama”, ông Trump viết trên tài khoản Twitter cuối tuần trước.

Kể từ đầu năm đến nay, Tổng thống D.Trump đã đề cập tới việc quay trở lại TPP ít nhất là hai lần. Lần thứ nhất là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) hồi tháng 1, và lần thứ hai là tại cuộc gặp với Thủ tướng Úc ở Nhà Trắng. Trong cả hai lần, ông Trump đều ra điều kiện là phải có được “thỏa thuận tốt hơn”.

Lần thứ ba này, ông Trump không chỉ nói công khai trên twitter của mình, cách mà ông vẫn thường làm, mà còn có những chỉ đạo cụ thể. Hãng tin Mỹ CNN cho biết, tổng thống đã giao cho đại diện Thương mại Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow xem xét lại việc đàm phán gia nhập TPP.

Động thái của Mỹ diễn ra sau khi 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile, thay thế cho TPP vào tháng trước.

Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tỏ ra khá lạnh lùng. Ông so sánh các thỏa thuận của TPP như một “sản phẩm thủy tinh”, có thể vỡ bất cứ lúc nào và cảnh báo đối với những nỗ lực thay đổi nhằm chiều lòng Mỹ.

“Thật khó khi phải đàm phán lại các phần của hiệp định”, ông Suga nói và cho rằng nó đã tương đối cân bằng nhằm giải quyết nhu cầu của 11 quốc gia thành viên hiện nay.

Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Úc, thì nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Tôi không nghĩ rằng có thể vứt bỏ tất cả để làm vừa lòng Mỹ”.

Tổng thống D.Trump hiện đang phải đối phó với làn sóng “nổi dậy” ngày càng tăng của các công ty trong nước, nông dân và những đối tượng khác vì lo ngại rằng ông đang kích động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Trong bối cảnh đó, ông Trump muốn quay trở lại dựa vào TPP để tạo sức nặng trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Những người nông dân Mỹ, đang ngày càng lo ngại về những tác động tiêu cực trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Purdue, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc từ Mỹ có thể giảm tới 71% nếu Trung Quốc áp đặt thuế thương mại. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Nước này mua 93 triệu tấn đậu nành năm 2016. Hai phần ba lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ là tới Trung Quốc.

“Nếu nông dân Mỹ gặp khó trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, chúng tôi cần phải có các thị trường khác. TPP có thể tạo ra những thị trường mới như Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Eric Farnsworth, Phó chủ tịch Hội đồng Mỹ, một nhóm chuyên thúc đẩy thương mại tự do ở Mỹ nói.

Song ra đi thì dễ, trở lại không phải đơn giản.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng: “Nếu Mỹ thật sự muốn trở lại, điều này sẽ kích hoạt một quá trình tham gia và đàm phán khác”. Bà Ardenrn nói bà vẫn muốn thỏa thuận được thực hiện như nó đang có hiện nay. “Đây không chỉ là vấn đề bước vào một thỏa thuận đang tồn tại sẵn”, thủ tướng nhấn mạnh.

Về phía Mỹ, chưa nói tới những phức tạp trong các điều khoản, chỉ riêng yếu tố con người đã là một trở ngại. Đội ngũ đàm phán thương mại của ông Trump đang phải vắt chân lên cổ để cố gắng hoàn tất những thay đổi của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Họ cũng cần phải nghiên cứu xem có nên gia hạn sự miễn trừ tạm thời thuế mới của tổng thống đối với thép và nhôm nhập khẩu. Và trên hết, họ đang bận rộn trong một loạt các cuộc thương lượng ngày càng gay gắt hơn với Trung Quốc.

Dù vậy, việc Mỹ bày tỏ mối quan tâm trở lại TPP cũng là thông điệp được các nước quan tâm. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso thận trọng: “Nếu tin đó là sự thật, chúng tôi xin đón chào”.

Người phát ngôn Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore hoan nghênh sự trở lại của Mỹ và cho biết: “TPP được thiết kế để đạt được một thỏa thuận chung, mở ra cho các nước có cùng sở thích và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao”. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn