Gỡ rối chuyện chứng minh nguồn gốc gỗ
31/08/2010 120Trái với những lo ngại ban đầu, hơn bốn tháng sau khi luật Lacey có hiệu lực, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn diễn ra thuận lợi. Nhưng theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp thì chắc chắn trong tương lai doanh nghiệp sẽ “vướng” với chính nguồn gỗ trong nước.
Không vướng luật Mỹ
Khoảng một năm trước khi đạo luật Lacey [nghiêm cấm nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh ở Mỹ gỗ và sản phẩm gỗ khai thác bất hợp pháp], chính thức có hiệu lực (tháng 4 -2010), nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất lo lắng vì Mỹ đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam. Khi đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng gỗ nguyên liệu nhập từ Brazil hoặc các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia, Myanmar, vốn bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đánh giá thấp về tính minh bạch trong ngành khai thác gỗ.
Nỗi lo lắng bao trùm lên các doanh nghiệp chế biến gỗ khi đó một phần vì thiếu thông tin, phần vì những biện pháp trừng phạt khắt khe mà cơ quan quản lý Mỹ áp đặt lên nhà nhập khẩu, chẳng hạn nếu bị phát hiện vi phạm luật Lacey nhẹ thì cấm nhập khẩu, phạt tiền, nặng thì có thể truy tố và khép vào tội hình sự.
Để "đối phó" với tình hình, nhiều tổ chức và hiệp hội chế biến gỗ trong nước đã đứng ra thuê chuyên gia phổ biến cho doanh nghiệp nội dung của luật và những cách thức minh bạch hóa nguồn gỗ. Một số ý kiến khi đó còn cho rằng luật Lacey của Mỹ cũng như của châu Âu thực chất là những rào cản thương mại được đột ngột dựng lên với mặt hàng đồ gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, phải đến khi chính thức áp dụng luật vào ngày 1- 4 vừa rồi, nhiều người mới vỡ ra rằng việc thực thi luật cũng có lộ trình và tại thời điểm hiện nay doanh nghiệp chỉ cần khai báo các thông tin về nguồn gốc gỗ. Việc nộp các loại hồ sơ chứng nhận và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo lộ trình chỉ thực hiện sau năm 2010. Chính vì vậy cho đến nay vẫn chưa có lô hàng đồ gỗ nào của doanh nghiệp Việt Nam bị “vướng” bởi luật Lacey.
Ông John Webb, người phụ trách về luật Lacey của Bộ Tư pháp Mỹ, trong một hội thảo vừa tổ chức hôm thứ sáu tại TPHCM ví von doanh nghiệp Việt Nam luôn cho rằng luật Lacey giống như con hổ “rình mồi” trong bóng tối; nhưng thực tế luật này tuy của chính phủ Mỹ nhưng về cơ bản dựa trên pháp luật của các nước xuất khẩu như Việt Nam. Điều đó có nghĩa là gỗ nhập khẩu có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng rừng quốc tế, hoặc gỗ rừng trồng trong nước có chứng nhận hợp pháp của cơ quan quản lý trong nước như Bộ Nông nghiệp và Cục kiểm lâm thì vẫn được chấp nhận.
Thế nhưng đến đây lại phát sinh vấn đề từ gỗ rừng trồng.
…nhưng vướng ở Việt Nam!
Nếu từ năm 2009 trở về trước, doanh nghiệp sử dụng chủ yếu gỗ nhập khẩu, lên đến 4 đến 5 triệu mét khối/năm (theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam- Vifores) thì từ khủng hoàng kinh tế đến nay nhiều doanh nghiệp chuyển sang dùng các loại gỗ rừng trồng nội địa rẻ tiền hơn. Đến đây lại phát sinh vấn đề cần có chứng nhận tính hợp pháp của gỗ rừng trồng thì mới có thể sử dụng để chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Ông Huỳnh Phú Quốc, giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết để gỗ nguyên liệu trong nước được công nhận hợp pháp trên quốc tế thì phải có văn bản được xác nhận của chính Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì chưa có tổ chức hoặc cơ quan chính quyền ở địa phương được ủy quyền thực hiện điều này.
Ở nước ta, diện tích rừng trồng có chứng nhận FSC được công nhận quốc tế chiếm chưa đến 1% trong tổng số 3 triệu hécta rừng trồng trong khi nhu cầu gỗ nguyên liệu từ rừng trồng hợp pháp đang tăng lên. Để nhà nhập khẩu phía Mỹ không gặp rắc rối với cơ quan chức năng, công ty Trường Thành cùng với một số doanh nghiệp chế biến gỗ đã có những giải pháp “căn cơ” như đăng ký làm thành viên những tổ chức có uy tín quốc tế như GFTN – Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu của WWF.
Tổ chức này sẽ có những đợt kiểm tra hàng quý để rà soát, đánh giá gỗ từ nguồn gốc cho đến đầu ra, đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu. Nhưng số doanh nghiệp thực hiện theo cách này không nhiều vì chủ yếu họ vẫn mua gỗ từ nhiều nguồn khác nhau, khó xác minh nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores, ngoài chứng nhận của Bộ Nông nghiệp, các loại chứng nhận của địa phương, chính quyền và hạt kiểm lâm xã mà nhiều doanh nghiệp đang sử dụng hiện nay cho các lô gỗ rừng trồng của mình đều không có giá trị quốc tế. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Bộ ủy quyền cấp chứng nhận nguồn gốc gỗ cho đĩa phương nhưng chưa được chấp nhận vì có nhiều ý kiến lo ngại việc trao quyền chứng nhận nguồn gốc gỗ cho tổ chức hoặc cơ quan địa phương sẽ tạo ra những tác động xấu đến rừng tự nhiên.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, tách bạch sự quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên với tạo cơ chế thông thoáng cho khai thác gỗ rừng trồng là rất phức tạp nhưng cũng hết sức cần thiết. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi luật Lacey đi đến bước đòi hỏi xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu của các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam