Tin tức

Thiếu lao động, “cản bước” kim ngạch xuất khẩu dệt may

27/08/2010    79

Kết quả gần 6 tỷ USD kim ngạch XK dệt may của 7 tháng đầu năm 2010 là một con số không nhỏ giúp ngành dệt may trong nước có thể hoàn thành kế hoạch XK 10,5 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, cái khó của các DN dệt may lúc này lại không phải thiếu đơn hàng hay thị trường mà là vấn đề lao động.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tháng 7 đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD, tính chung 7 tháng ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn hàng cho sản xuất những tháng cuối năm vẫn còn tốt, và giá xuất khẩu đã tăng 15% so với năm 2009. Đặc biệt, các đơn hàng XK vào Mỹ đang ổn định, số lượng lớn hơn và giá cả cũng tăng từ 10-15%, đây đang là thị trường động lực để kéo con tàu xuất khẩu của toán ngành. Nguyên nhân một phàn do Trung Quốc đẩy giá sản phẩm dệt may lên cao, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển đơn hàng qua các nước, trong đó có Việt Nam. Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU bứt phá mạnh và cũng đang có nhiều lợi thế so với một số nước khác, dự báo đến cuối năm vẫn giữ được mức tăng trưởng khá; thị trường Hàn Quốc được xem là nhiều tiềm năng và đang đứng thứ 4 các thị trường XK trọng điểm của ngành. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may cho biết, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm, có không ít DN được chọn đơn hàng, khách hàng chứ không phải đi tìm khách hàng như trước; kỳ vọng trong tháng 8, XK dệt may sẽ đạt hơn 8 tỷ USD. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất của các DN dệt may lúc này không sợ thiếu đơn hàng bằng thiếu lao động. Có một hiện trang phổ biến đang diễn ra là lực lượng lao động liên tục giảm trong nước tháng qua, hầu hết các DN đều thiếu từ 10-30% lao động. Ông Vũ Đức Giang - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, lực lượng lao động của toàn ngành dệt may giảm 17%. Riêng các doanh nghiệp thuộc tập đoàn giảm 7% so với năm 2009. Theo ông Giang, đây là tỷ lệ giảm thấp và thực trạng trên cũng cho thấy, ngành dệt may vẫn thiếu hụt lao động. Người lao động giờ không mấy mặn mà với ngành dệt may, biến động lao động tại các nhà máy hiện nay dao động ở mức cao, khoảng 15-20%/năm, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa. Ở nhiều khu công nghiệp, nhất là tại phía Nam, việc các DN vừa sản xuất vừa liên tục thông báo tìm lao động để bổ sung sự thiếu hụt vẫn diễn ra thường xuyên và thường không tuyển được đủ chỉ tiêu lao động theo yêu cầu. Giám đốc một DN dệt may cho biết: lượng lao động nghỉ việc còn nhiều hơn số lao động xin vào làm khiến chúng tôi dù có nhiều đơn hàng nhưng cũng không dám nhận. 

Nguyên nhân chính vẫn do thu nhập của ngành này chưa cao, ngoại trừ những DN lớn có mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng còn phần đa các DN vừa và nhỏ chỉ trả được cho người lao động trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Ông Vũ Đức Giang chia sẻ: “Không tăng thu nhập thì không thể giữ chân được người lao động trong hoàn cảnh này. Tập đoàn Dệt may Việt Nam có tỷ lệ lao động thiếu hụt thấp hơn các doanh nghiệp khác bởi đã tăng lương trung bình 14% so với cùng kỳ năm ngoái để giữ chân công nhân; đạt 3,35 triệu đồng/người/tháng nhưng biến động lao động vẫn rất lớn.” Được biết, có DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh đã trả cho người lao động tới 4 triệu đồng/tháng, chưa kể các chế độ phúc lợi khác để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất.

Để giải quyết khó khăn về nguồn cung lao động, nhiều DN đã và đang có kế hoạch chuyển nhà máy về các tỉnh và vùng xa để thu hút lao động địa phương. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng không mang lại hiệu quả mong muốn bởi phải đào tạo lại tay nghề, văn hóa ứng xử và thói quen sinh hoạt của không ít lao động các địa phương không phù hợp và ảnh hưởng tới tác phong lao động ở khu công nghiệp. Ông Giang bày tỏ: “Họ có thể tự ý nghỉ việc, hoặc xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau như thu hoạch mùa màng, cấy lúa, ở nhà chơi nhân lễ hội, rằm mới đi làm…, điều này thường gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của toàn nhà máy. Đó là chưa kể đến việc di chuyển nhà máy về nơi khác thì mất đi lao động lành nghề đang làm bởi không có lao động nào ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh lại chịu theo DN đến các tỉnh khác để làm việc”.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử