Quyết liệt ngăn chặn chuyển tải xe đạp xuất khẩu qua Việt Nam vào thị trường EU
27/08/2010 78Ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn nhanh của phóng viên báo Vietnam Economic News, xung quanh câu chuyện về khả năng phục hồi xuất khẩu xe đạp Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) khi thuế chống bán phá giá (CBPG) đã được EU bãi bỏ từ ngày 15/7/2010.
Ông đánh giá thế nào về quyết định không tiến hành rà soát cuối kỳ, đồng thời dỡ bỏ thuế CBPG xe đạp nhập khẩu từ Việt Nam của EU?
Việc EU chấm dứt áp thuế CBPG đối với xe đạp Việt Nam khi nhập khẩu vào EU là một quyết định khách quan, dựa trên những thông tin và kết quả điều tra nghiêm túc của Ủy ban châu Âu (EC), phản ánh đúng thực tiễn phát triển của ngành xe đạp Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các DN sản xuất và xuất khẩu xe đạp Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, DN xe đạp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm vào thị trường EU.
Quyết định chấm dứt áp thuế CBPG xe đạp Việt Nam của EU cũng phù hợp với số đông nguyện vọng và lợi ích của người tiêu dùng EU. Thay vì phải mua xe đạp có giá cao vì bị áp thuế CBPG như trước đây, thì nay, lợi ích của người tiêu dùng EU được gia tăng do không phải chịu khoản thuế CBPG mà EU đã áp dụng với xe đạp nhập khẩu từ Việt Nam suốt 5 năm qua.
Ông nhận định thế nào về khả năng phục hồi sản xuất và xuất khẩu xe đạp của các DN Việt Nam vào thị trường EU?
Thuế CBPG không còn bị áp đặt, đương nhiên các DN xe đạp Việt Nam sẽ có điều kiện phục hồi sản xuất và xuất khẩu vào thị trường EU. Chỉ có điều, sau hơn 5 năm bị EU áp thuế CBPG, ngành xe đạp Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề, nhiều DN đã phải thu hẹp quy mô phát triển, hoặc chuyển đổi sản xuất, thậm chí có những nhà máy đã phải giải thể di chuyển sản xuất sang quốc gia khác… Vì vậy, khả năng phục hồi sản xuất và xuất khẩu xe đạp vào thị trường EU của các DN Việt Nam không phải dễ dàng trong một sớm, một chiều đã có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng.
Đặc biệt, trong khi xe đạp Việt Nam không còn bị áp thuế CBPG thì xe đạp của một số nước khác xuất khẩu vào EU vẫn bị áp thuế CBPG ở mức cao (xe đạp của Trung Quốc vẫn bị EU áp thuế CBPG 48,5%…), các DN làm ăn chân chính của Việt Nam chưa thể phục hồi được tốc độ phát triển, thì đã lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh không lành mạnh bởi việc chuyển tải bất hợp pháp xe đạp từ nước ngoài vào núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào EU nhằm lẩn tránh thuế CBPG của EU vẫn áp đặt với các nước này.
Nếu không ngăn chặn được các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, xuất khẩu xe đạp của Việt Nam vào thị trường EU rất có thể sẽ tăng trưởng “nóng” bất thường khiến các nhà sản xuất xe đạp EU lo ngại. Lúc đó, nguy cơ xe đạp Việt Nam bị kiện và bị tái áp thuế CBPG là khó tránh khỏi, hoặc sẽ bị EU dùng chế tài nặng xử lý hành vi chuyển tải lẩn tránh thuế CBPG đối với hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu xe đạp Việt Nam. Hệ quả của việc bị tái áp thuế CBPG hoặc bị xử lý hành vi chuyển tải sẽ nặng nề hơn, không chỉ ngành xe đạp Việt Nam phải gánh chịu thiệt hại, mà hình ảnh quốc gia trong quan hệ thương mại cũng bị ảnh hưởng kéo theo hệ lụy tương tự đối với các ngành hàng khác khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Thưa ông, các cơ quan chức năng Việt Nam đã và sẽ làm gì để ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp xe đạp như đã nêu?
Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin đầy đủ về pháp luật của Việt Nam và EU có liên quan, cũng như hậu quả của việc chuyển tải bất hợp pháp xe đạp qua Việt Nam để xuất khẩu sang EU nhằm lẩn tránh thuế CBPG cho Hiệp hội và các DN xe đạp Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương Việt Nam đang có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn việc chuyển tải bất hợp pháp xe đạp nói riêng và các mặt hàng khác nói chung để bảo vệ lợi ích cho các DN chân chính, củng cố uy tín quốc gia trong quan hệ thương mại.
Bộ Công Thương Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp và tăng cường giám sát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hiện tượng chuyển tải bất hợp pháp xe đạp; đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, quán triệt nguy cơ và hậu quả của việc chuyển tải bất hợp pháp cho các DN xe đạp nói riêng và các ngành khác nói chung nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về vấn đề này; đề nghị các địa phương tăng cường thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xe đạp nhằm loại bỏ các dự án đầu tư mới vì mục đích lẩn tránh thuế CBPG để trục lợi.
Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra của EC để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp cụ thể có hành vi chuyển tải xe đạp lẩn tránh thuế CBPG xuất khẩu vào EU.
Hiệp hội ôtô, xe đạp, xe máy Việt Nam (VABOMA) cần tăng cường vai trò giám sát, thẩm định năng lực sản xuất thực tế của các DN xe đạp so với lượng xe đạp xuất khẩu nhằm phát hiện kịp thời hiện tượng chuyển tải bất hợp pháp để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Các DN xe đạp Việt Nam cần chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước những hành vi chuyển tải xe đạp bất hợp pháp vào Việt Nam thông qua việc thông báo ngay các hiện tượng này (khi phát hiện thấy) tới VABOMA và các cơ quan chức năng của Nhà nước để xử lý…/.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đối ngoại (VEN)
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam