Tin tức

Doanh nghiệp trong nước lúng túng trong tự vệ thương mại

27/08/2010    127

Hiện trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài. Mặc dù pháp luật về tự vệ thương mại không thiếu, nhưng dường như các doanh nghiệp còn khá lúng túng vì không biết phải vận dụng như thế nào?

Cần đẩy mạnh biện pháp tự vệ

Tháng 7/2009, từ hồ sơ yêu cầu biện pháp tự vệ của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera (được ủy quyền của Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam), Bộ Công Thương ra quyết định điều tra mặt hàng kính nổi nhập khẩu của một số doanh nghiệp châu Á, do hàng nhập khẩu kính nổi tăng đột biến khiến nhà sản xuất trong nước điêu đứng. Đây là một vụ kiện hiếm hoi và duy nhất cho tới nay do một doanh nghiệp Việt Nam đứng nguyên đơn. Do thiếu kinh nghiệm nên doanh nghiệp chưa đủ bằng chứng để áp dụng biện pháp tự vệ đối với kính nổi nhập khẩu, song việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm kính nổi nước ngoài đã giúp các doanh nghiệp trong nước phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Hiện nay, pháp luật về phòng vệ thương mại của nước ta đã tương đối hoàn chỉnh với ba pháp lệnh, ba nghị định và các thông tư hướng dẫn. Về mặt thiết chế, Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan hành chính phụ trách điều tra đã hình thành. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Quản lý Cạnh tranh, có quyền áp đặt biện pháp tự vệ nếu hàng hóa nước ngoài xuất khẩu dồn dập sang nước ta, nhưng phải có cơ sở, có chứng cứ gây thiệt hại đối với sản xuất nội địa. 

Về phía cơ quan thẩm quyền, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), lưu ý: Rất cần sự phối hợp giữa hiệp hội và các doanh nghiệp với cơ quan chức năng để phát hiện tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Nếu xác định được biên độ phá giá, biên độ thiệt hại, các doanh nghiệp, hiệp hội sẽ lập hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra và khi có bằng chứng rõ ràng, Bộ sẽ đưa ra mức thuế suất chống bán phá giá, còn mức thuế suất bao nhiêu là do ta quyết định.

Doanh nghiệp không biết “võ” tự vệ

Là biện pháp bảo hộ hữu hiệu các ngành sản xuất trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Nhưng trên thực tế trong thời gian qua, biện pháp tự vệ thương mại vẫn chưa được sử dụng thường xuyên. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước còn đang lúng túng trước tình trạng một số hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường, nhưng không biết xử lý thế nào, giống như một võ sĩ bị tấn công dồn dập nhưng không biết “võ” để tự vệ. 

Kỹ sư Hoàng Thái Sơn- Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp kỹ thuật điện phụ trách phía Nam- dẫn chứng là hiện nay, trên thị trường máy biến áp cao thế 110KV hay dây đồng nhập khẩu Trung Quốc giá thấp hơn hàng hóa cùng loại trong nước từ 10 đến 15% nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Trước hiện tượng này, ông Huỳnh Trọng Bình, Giám đốc xuất nhập khẩu Công ty TNHH thép Vina Kyoei đặt vấn đề cần xác định tiêu chí nào được xem là dấu hiệu doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá tại thị trường trong nước để có thể khởi kiện.

Sự lúng túng này, được luật sư Trần Hữu Huỳnh- Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI)- lý giải: Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết vẫn là do khả năng hiểu biết của các hiệp hội, của các doanh nghiệp về các vấn đề thương mại quốc tế còn hạn chế. Hiện có đến hơn 70% doanh nghiệp, hiệp hội chưa hiểu biết đầy đủ các nội dung cơ bản của các hiệp định trong WTO; gần 50% chưa am hiểu các cam kết gia nhập WTO của nước ta liên quan đến ngành mình; khoảng 89 % không biết hoặc hiểu lơ mơ các vấn đề đang được tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ WTO; 81,5% không biết các cam kết trong những hiệp định thương mại khác ngoài WTO liên quan đến ngành mình…

Một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp ít chú trọng tới thị trường nội địa và chưa chú ý đến việc bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nước ngoài nhập khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp, các hiệp hội nước ta thiếu sự gắn kết về lợi ích để cùng đi kiện, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp nội địa. Nguyên nhân không kém quan trọng là các doanh nghiệp, hiệp hội thiếu nguồn lực vật chất để đi kiện do chi phí bỏ ra để khởi kiện và theo kiện tốn kém cũng không kém gì chi phí kháng kiện. Nguyên nhân tiếp theo là doanh nghiệp thiếu thông tin để khởi kiện vì các thông tin cần thiết phần lớn nằm trong sự quản lý của các cơ quan nhà nước. Cuối cùng, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, hiệp hội ít dám sử dụng biện pháp tự vệ vì nhiều doanh nghiệp và hiệp hội thiếu kỹ năng khởi kiện, điều này được minh chứng ở vụ khởi kiện đầu tiên, doanh nghiệp phải tự mày mò, thậm chí không có công ty luật hỗ trợ.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử