Vấn đề kinh tế trong tối hậu thư EU dành cho Anh
12/02/2018 47Ngày 9-2 (giờ địa phương), trong cuộc họp báo tại Brussels sau vòng đàm phán với Anh, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về tiến trình nước Anh rời EU (gọi là Brexit) cho biết, liên minh sẽ soạn thảo văn bản pháp luật để tuyên bố rằng, Bắc Ireland vẫn ở lại trong liên minh thuế quan.
Đây được xem là một trong những tối hậu thư về kinh tế đối với nước Anh...
EU muốn có cạnh tranh công bằng
Theo ông Barnier, việc EU sẽ chuẩn bị bản dự luật về Brexit, trong đó dự kiến Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan, được xem là một tối hậu thư đối với Anh để nước này phải đưa ra một lựa chọn khác hoặc chấp nhận đề xuất trên của EU nhằm tránh việc thành lập biên giới cứng giữa CH Ireland và Bắc Ireland. Ông Barnier nhấn mạnh, EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc soạn ra dự luật này, vì Anh đã không rõ ràng trong việc làm thế nào để giải quyết vấn đề biên giới Ireland cho một mối quan hệ hoàn toàn mới.
Trưởng đoàn đàm phán EU cho rằng, quyết định của Anh về việc rời thị trường chung và liên minh thuế quan sẽ làm cho việc kiểm tra biên giới là không thể tránh khỏi. Trong thỏa thuận chung tạm thời được ký vào tháng 12-2017, sau giai đoạn một của Brexit, hai bên đã đưa ra 3 giải pháp cho vấn đề Ireland: Giải pháp tạo ra mối quan hệ chung mới; giải pháp thay thế được Anh đề xuất để tránh thành lập biên giới cứng; bảo lưu tất cả các quy định và các thủ tục hiện hành. Như vậy, giải pháp thứ 3 có nghĩa là vẫn giữ Bắc Ireland nằm trong liên minh thuế quan của EU, duy trì sự tuân thủ đầy đủ các quy tắc của thị trường chung hoặc liên minh thuế quan, hiện tại hoặc tương lai. Ông Barnier nhấn mạnh hai bên có trách nhiệm lựa chọn giải pháp thứ 3 để đưa vào văn bản thỏa thuận Brexit nhằm tránh tạo ra biên giới cứng trong bất kể hoàn cảnh nào; điều này có nghĩa hai bên phải bắt đầu xác định một cách hợp pháp kịch bản sẽ vận hành trong điều kiện thực tế.
Những tối hậu thư được đưa ra vào giai đoạn then chốt này cho thấy nền kinh tế Anh có khả năng sẽ phải trả giá đắt cho Brexit. Trước đó, ngày 5-2, trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier tuyên bố việc nước Anh quyết định rời bỏ liên minh thuế quan và đứng ngoài thị trường chung của EU thì chắc chắn những rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ của nước Anh là "không thể tránh khỏi" và nước Anh cần phải đưa ra lựa chọn.
27 nước EU cũng lo ngại rằng, Anh có thể lợi dụng việc "ly dị" với EU để thu hút các nhà đầu tư quốc tế bằng cách đưa ra những đề xuất thuế, cùng các quy định về điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn so với những quy định đang được áp dụng tại EU. Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại sẽ có những hành vi bị coi là không lành mạnh nhằm giúp nền kinh tế của mình cạnh tranh hơn sau khi Anh chính thức rời khỏi EU. EC cho rằng thỏa thuận giữa EU và Anh sẽ phải bao gồm các quy định chặt chẽ để đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng với các quốc gia thành viên EU.
Giá đắt cho cuộc ra đi
Mới đây, một tài liệu mật liên quan đến tiến trình Brexit, lưu hành trong nội bộ chính phủ Anh, được tiết lộ trên trang Buzzfeed khiến dư luận giật mình về tác động thật sự của việc Anh rời khỏi EU. Theo nhận định của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, thông tin này có nguy cơ tác động mạnh đến Thủ tướng Anh Theresa May trong các cuộc đàm phán với Brussels, cũng như tác động đến chính trường Anh. Tài liệu được Bộ chuyên trách về Brexit soạn thảo trong tháng 1-2018 cho biết, tăng trưởng của nền kinh tế Anh sẽ sụt giảm từ 2-8% trong vòng 15 năm tới. Hậu quả của Brexit sẽ tác động đến mọi lĩnh vực, mọi khu vực trên khắp nước Anh.
Dĩ nhiên, Anh có thể ký các hiệp định tự do thương mại với Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia... nhưng tăng trưởng có được từ những thỏa thuận này vẫn không bù đắp được mất mát liên quan đến việc rời khỏi EU. Tài liệu trên còn nêu rõ Brexit tác động đến mọi lĩnh vực và mọi vùng của Anh, bắt đầu từ vùng Đông Bắc, vùng Birmingham và Bắc Ailen. Mọi lĩnh vực kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hóa học, may mặc, sản xuất thực phẩm, chế tạo ô tô và phân phối. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính có thể cũng chịu thiệt hại nặng nề nếu như không được thâm nhập thị trường chung châu Âu.
Có thể thấy rõ, việc rò rỉ thông tin xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Chính phủ Anh, làm gia tăng căng thẳng vốn đã rất gay gắt trong nội các và đảng Bảo thủ. Phe đối lập có thể tận dụng cơ hội này để yêu cầu chính phủ công bố toàn bộ nội dung bản nghiên cứu tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh.
Đáp lại, Thủ tướng Anh tin tưởng đạt thỏa thuận giai đoạn chuyển tiếp sẽ đúng hạn. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, bà May nêu rõ trong thời gian tới, Anh và EU sẽ có một thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp theo đúng lịch trình mà EU đã nhắc tới. Chính phủ Anh hiện muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 2 năm, trong khi EU muốn giai đoạn này diễn ra trong 21 tháng sau ngày 29-3-2019. Ngày 8-2, Thủ tướng Anh Theresa May đã khẳng định sẽ duy trì mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt với EU ngay cả khi London rời khỏi khối này. Để tỏ rõ thiện chí, Thủ tướng Theresa May tái khẳng định sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit, bất chấp việc nội các Anh vẫn chia rẽ về nhiều chủ đề đàm phán cho cuộc ra đi được cho là trắc trở của nước Anh.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Ông Trump công bố áp thuế từ 25 đến 40% lên 14 nước từ 1-8
- Phản ứng từ các nước sau khi nhận thư thông báo thuế của Mỹ
- Thông tin về triển lãm WOSAS và WOCEE 2025 tại Manila, Philippines
- Ông Trump sẽ gửi đợt thư thông báo thuế đầu tiên cho các nước vào tối nay