Phòng chống các vụ kiện chống bán phá giá từ xa
19/08/2010 88Gần đây, các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng ngày càng tăng, đã và đang bị một số nước lạm dụng như là hàng rào thuế quan để bảo hộ các ngành sản xuất của nước sở tại.
Điều này đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta bị thiệt hại năng nề. Vì vậy, giải pháp cụ thể để doanh nghiệp chủ động phòng tránh và chủ động trong trường hợp xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá đang là một yêu cầu cấp bách.
Nhiều thiệt hại khi bị kiện chống bán phá giá.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương, trong 16 năm từ 1/4/1994 đến 30/6/2010, các doanh nghiệp nước ta đã đối phó với 34 vụ kiện chống phá giá và tự vệ nước ngoài tại 11 thị trường, nhiều nhất là tại EU (10 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (5 vụ), Hoa Kỳ (4 vụ), Ấn Độ (4 vụ), Peru và Ác-hen-ti-na mỗi thị trường 2 vụ. Còn tại các thị trường khác như Hàn Quốc, Ba Lan, Colombia, Ai Cập, các doanh nghiệp nước ta đều phải đối phó với 1 vụ kiện. Một số ngành hàng bị kiện chống phá giá như: giày dép, thủy hải sản, kim loại, nông sản. Điều đáng chú ý là số vụ kiện ngày càng tăng, mặt hàng bị kiện thường sử dụng nhiều lao động. Trong đó 62% số vụ kiện nhằm vào top 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và 80% số vụ kiện tại 20 thị trường xuất khẩu chủ lực.
Các vụ kiện chống bán phá giá đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp. Đơn cử ngành xe đạp Việt Nam, vào thời cực thịnh mỗi năm Việt Nam xuất khẩu vào EU gần 1,1 triệu chiếc. Nhưng kể từ ngày 1/7/2005, khi EU áp đặt thuế chống bán phá giá lên tới 34,5% đối với xe đạp nhập khẩu từ Việt Nam khiến sản lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu vào EU sụt giảm nhanh chóng và chỉ đạt hơn 20.000 chiếc /2009. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp trong ngành sản xuất xe đạp và phụ tùng phải đóng cửa nhà máy và hàng trăm ngàn công nhân bị mất việc, từ hơn 200.000 lao động, thì nay chỉ còn khoảng 5.000 người.
Một dẫn chứng khác là vụ kiện chống bán phá giá của EU đối với ngành da giày Việt Nam cũng gây thiệt hại lớn cho hàng lọat doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cụ thể công ty An Giang sụt giảm 84,3% kim ngạch xuất khẩu, 66% lợi nhuận; Công ty Việt Phát giảm 48,3% kim ngạch xuất khẩu và 40% lợi nhuận; còn Công ty Vinh Thông giảm 47,8% lợi nhuận…
Thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá khiến không chỉ người lao động bị mất việc, giảm thu nhập, doanh nghiệp phải bỏ chi phí theo đuổi vụ kiện, thuê luật sư, không còn cơ hội quay lại thị trường, mà còn tác động sang các ngành công nghiệp khác mang tính dây chuyền, đồng thời đất nước bị giảm nguồn thu ngoại tệ.
Sử dụng hệ thống cảnh báo sớm
Để giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá và giúp doanh nghiệp chủ động phòng tránh, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta tại trang web http://www.canhbaosom.vn và (http://www.earlywarning.vn).
Hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp xác định sớm các nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chống lại nước ta trước khi chính thức có đơn kiện từ các ngành sản xuất nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ được tiếp cận các thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vào các thị trường chính, được cảnh báo nếu có nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại và được tư vấn để phòng tránh cũng như giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Do Hoa Kỳ và EU là hai thị trường có số vụ kiện nhiều nhất, nên trước mắt, hệ thống cảnh báo sẽ tập trung vào hai thị trường này với 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là thủy hải sản, da giày, dệt may, đồ gỗ, dây cáp điện. Ở giai đoạn hai, hệ thống sẽ mở rộng tới 10 ngành hàng tại 5 thị trường, đồng thời phát hành bản tin cảnh báo sớm. Giai đoạn tiếp theo, hệ thống sẽ được mở rộng tới 20 ngành hàng với 10 thị trường, đồng thời đi vào chiều sâu với các nội dung phân tích theo yêu cầu doanh nghiệp, tìm kiếm thông tin xuất khẩu. Căn cứ trên mức điểm của mỗi mã hàng xuất khẩu, hệ thống sẽ đưa ra các mức độ cảnh báo đèn xanh (nguy cơ bị kiện chưa cao), đèn vàng (có nguy cơ bị kiện nhưng chưa cao) và đèn đỏ (nguy cơ bị kiện cao).
Ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Cục quản lý Cạnh tranh- lưu ý, các doanh nghiệp nên tận dụng các mặt tích cực của hệ thống cảnh báo sớm để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm chỉ mang tính cảnh báo, dự đoán nên chưa hẳn chính xác vì sẽ xảy ra tình trạng mã hàng nào đó có cảnh báo nhưng không bị kiện, ngược lại có mã hàng không đưa vào diện cảnh báo nhưng lại bị kiện chống phá giá như mặt hàng móc áo vừa qua chẳng hạn.
Nguồn: Báo Công Thương Điện tử
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam