Tin tức

Thủ tướng Canada Trudeau "tay trắng" rời Trung Quốc

11/12/2017    45

Thủ tướng Justin Trudeau có một cách tiếp cận khác về thương mại. Ông đưa ra các giá trị "tiến bộ" như một giải pháp lập lại trật tự toàn cầu vốn đã rơi vào thế phòng thủ bởi những người theo chủ nghĩa dân túy như Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên tuần này tại Trung Quốc, ông đã cảm nhận rõ khó khăn khi đưa ra các giá trị này.

Thủ tướng Canada kết thúc chuyến thăm Trung Quốc mà không khởi động được các cuộc đàm phán thương mại tự do được đặt nhiều kỳ vọng. Ông đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc thông qua các điều khoản như lao động, bảo đảm môi trường để trấn an tầng lớp lao động và duy trì tự do thương mại. Thay vì nhận đươc sự ủng hộ, ông lại đối mặt với một cuộc đụng độ văn hóa.

Thất bại trong việc khởi động đàm phán

Đàm phán với Trung Quốc chỉ là thất bại mới nhất trong chương trình thương mại của ông Trudeau. Canada đã từng trì hoãn việc khôi phục Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Trump rút lui, trước sự thất vọng của Nhật Bản và các nước khác. Ông Trudeau cũng thúc đẩy bổ sung các yếu tố tiến bộ vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và người đàm phán chính của ông nói với các nhà lập pháp tuần này tại Ottawa rằng Mỹ phản đối các yếu tố này.

Chuyến công du nước ngoài của ông Trudeau bắt đầu tại Bắc Kinh, nơi ông Trudeau và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đột ngột hủy bỏ một cuộc họp báo chung vào ngày 4/12 vừa qua sau khi họ không thể thiết lập một khuôn khổ để khởi động đàm phán thương mại chính thức. Các cuộc thảo luận kéo dài suốt cả tuần mà không đạt được kết quả.

Canada muốn có một kiểu hiệp định thương mại hoàn toàn mới - và đó không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn. Bà Eva Busza, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Tổ chức châu Á Thái Bình Dương của Canada, cho biết. "Có lẽ hai bên sẽ phải đối thoại nhiều hơn về vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa”.

Thủ tướng Trudeau đã dành ngày cuối cùng của chuyến công du để nhấn mạnh thông điệp toàn cầu hóa và phương pháp tiếp cận của mình. "Nếu chúng ta tiếp tục với những giao dịch thương mại đơn giản và cổ điển, chỉ tập trung vào thuế và các rào cản và không nghĩ về tác động của thỏa thuận đối với người dân và cộng đồng, thì chúng ta sẽ thấy mình trong một thế giới mà chủ nghĩa bảo hộ và tư duy hướng nội là lựa chọn duy nhất", ông Trudeau cho biết tại Diễn đàn Fortune Global tổ chức ngày 7/12 tại thành phố Quảng Châu.

Phản ứng Trung Quốc

Dẫu vậy, ông Trudeau và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mở rộng các cuộc đàm phán về thịt bò, biến đổi khí hậu và công nghệ sạch. Họ cũng nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm thực thi pháp luật, sự tham gia của thanh thiếu niên và giáo dục.

"Chúng tôi tin rằng một thỏa thuận thương mại tự do sẽ có lợi cho cả Canada và Trung Quốc", ông Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết và nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với phía Canada với thái độ thực tế và cởi mở để thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - Canada, tạo điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại càng sớm càng tốt.

Chuyến thăm của ông Trudeau cho thấy một sự bế tắc toàn cầu giữa một số nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi Mỹ đang ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, Nhật Bản đang gặp khó khăn để thuyết phục Canada về CPTPP, thì Trung Quốc ngăn cản các yêu cầu "tiến bộ" và Thủ tướng Anh Theresa May bận rộn với Brexit. Canada đã từng là cầu nối thúc đẩy đàm phán TPP, hoàn thành một thỏa thuận thương mại với EU, cố gắng thỏa thuận với Tổng thống Trump để cứu vãn NAFTA, và hiện đang cố gắng vận động xu hướng thương mại mới mà cho đến nay, vẫn còn ít người bị thuyết phục.

Trở về nhà tay trắng, ông Trudeau hạ thấp tầm quan trọng của sự thất bại trong việc khởi động các cuộc đàm phán. "Không có bất kỳ ảo tưởng nào rằng việc này sẽ nhanh chóng hay dễ dàng”, ông Trudeau cho biết và nhấn mạnh, kết quả cuối cùng vẫn có thể chỉ là vấn đề trì hoãn, chứ không phải là chấm dứt hoàn toàn. Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ mất nhiều năm. TPP, kể từ khi được đổi tên là "toàn diện và tiến bộ", vẫn có thể đạt được, và đàm phán NAFTA được dự kiến kéo dài đến tháng 3/2018.

Với việc Canada sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-7 vào năm tới, ông John Kirton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu G-7 và G-20 của Đại học Toronto, cho biết ông nghi ngờ rằng Trudeau coi lời cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay về việc ủng hộ mạnh mẽ trật tự thương mại toàn cầu là nghiêm túc."Thay vì phản đối hoàn toàn, Trung Quốc đang "cố gắng thử" nhà lãnh đạo Canada. Phải mất một khoảng thời gian để cả hai đạt được sự nhất trí tương đối về mức độ sâu rộng của một thoả thuận thương mại", ông Kirton nói.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp