Tin tức

Vận hành hệ thống cảnh báo sớm kiện bán phá giá

16/08/2010    84

Theo Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bạch Văn Mừng cảnh báo sớm sẽ giúp giảm số vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu, và đến nay cục đã hoàn tất giai đoạn 1 chương trình xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, dự kiến vận hành trong tháng 9 năm nay. 

Phát biểu tại buổi lấy ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu hôm 11-8 để hoàn thiện hệ thống, ông Bạch Văn Mừng cho biết hiện đã vận hành trang web thử nghiệm cảnh báo về nguy cơ chống bán phá giá đối với 300 mã hàng của 5 ngành hàng Việt Nam có lượng xuất khẩu lớn, gồm dệt may, da giày, thủysản, đồ gỗ và dây cáp điện, vào thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 

Chương trình gồm 3 giai đoạn. Dự kiến giai đoạn 2 được thực hiện vào đầu năm 2011 để mở rộng hệ thống cảnh báo ra 10 ngành hàng và 5 thị trường, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil và Argentina. Trong giai đoạn 3, hệ thống được mở rộng cho 20 ngành hàng và 10 thị trường, cung cấp thông tin về xuất nhập khẩu cũng như phân tích theo yêu cầu doanh nghiệp. 

Theo ông Mừng, hệ thống cảnh báo giúp doanh nghiệp biết mặt hàng đang xuất khẩu có nguy cơ bị kiện như thế nào để điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu và giá bán cũng như có các thị trường dự phòng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động chuẩn bị thông tin về kiểm toán để theo đuổi vụ kiện một cách hiệu quả. 

Ông cho rằng việc cảnh báo sớm sẽ giúp giảm số vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ông không loại bỏ khả năng có những cảnh báo sai và có những mặt hàng không bị cảnh báo nhưng vẫn bị kiện chống bán phá giá. 

Theo quy định của WTO, mặt hàng nhập khẩu có thể bị kiện chống bán phá giá nếu chiếm tỷ trọng trên 3% tổng hàng hóa nhập khẩu tương tự vào nước nhập khẩu. Và, các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng trước khi đưa ra mức cảnh báo đỏ (mức cảnh báo nguy cơ cao bị kiện) công khai trên trang web, Cục Quản lý cạnh tranh nên tham khảo ý kiến và thông tin của các hiệp hội vì một số doanh nghiệp nước ngoài có thể lợi dụng báo động đỏ để làm chứng cứ khởi kiện hoặc ép giá. 

Kể từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã và đang đối mặt với với 34 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn như cá tra, cá basa, tôm và da giầy. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online