Kinh tế thế giới 2018 sẽ tác động ra sao đến doanh nghiệp Việt Nam?
08/12/2017 48Sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Trump, quá trình Brexit diễn ra không dễ dàng, những động thái trong nền kinh tế Trung Quốc, một vài dấu hiệu rủi ro trên thị trường tài chính thế giới.. được cho là những yếu tố tạo nên bối cảnh của kinh tế thế giới 2018.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Hầu hết các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Anh, đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng tới 4% năm 2018cao nhất kể từ 2012. Trong đó, Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP là 2,5% năm 2018 so với 2,3% năm 2017, với chính sách kinh tế mới của Trump sự tăng trưởng của Mỹ có thể còn mạnh hơn. Trung Quốc 6,5% so với 6,7% 2017; Ấn Độ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm nay và cùng với các nền kinh tế mới nổi dự báo tăng trưởng 5% năm 2018 so với 4,7% năm 2017. Nhìn tổng thể, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2018.
Chính sách thương mại của Trump và tác động của nó
Triết lý “nước Mỹ trên hết” theo đó Trump từ bỏ lối chơi đa phương, từ bỏ TPP, xét lại NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ hơn trước. Thay vào đó, Trump chủ trương chơi theo lối kiểu kinh doanh làm ăn tay đôi, song phương. Cách này giúp phát huy sức mạnh Mỹ theo nghĩa nước khác cần Mỹ hơn là Mỹ cần nước khác, theo cách này sự mặc cả phải cả hai bên cùng có lợi nhưng người Mỹ sẽ có lợi thế hơn.
Tử bỏ Hiệp ước chống Biến đổi Khí hậu Paris vì cho rằng hiệp ước này đã làm ngành than Mỹ chết, điện sản xuất ở Mỹ sẽ ở giá cao hơn gây thiệt hại sức cạnh tranh. Đồng thời, cho phép mở lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone Pipeline-XL nối với Canada vì không chịu sức ép về vấn đề môi trường. Hơn nữa với dự án này, Trump yêu cầu nó phải thuê công nhân Mỹ và mua ống thép của Mỹ nhằm tăng việc làm và thu nhập cho Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là việc từ bỏ các hiệp ước đa phương của Trump không phải là chủ nghĩa bảo hộ như nhiều người quy kết, mà chỉ là bỏ lối chơi đa phương thay vào cách chơi song phương mà thôi. Nghĩa là, thương mại và kinh tế thế giới vẫn là toàn cầu hóa và sẽ không bị thu hẹp, nhưng dòng thương mại và dòng vốn sẽ có thay đổi trong hướng đi của chúng.
Rất có thể sẽ tồn tại hai khuynh hướng thương mại thế giới song hành: các hiệp ước FTA song phương (phần nhiều với Mỹ) cùng với các FTA đa phương giữa phần còn lại của thế giới.
Với sức chi phối lớn của Mỹ, nhiều nước sẽ tìm cách có được FTA song phương với Mỹ, trong khi cũng sẵn sang tìm kiếm các đối tác song phương quan trọng của mình cũng như tham gia các FTA đa phương nếu có thể.
Thương mại Mỹ - Trung
Có lo ngại về một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc thặng dư thương mại với Mỹ lên tới hàng trăm tỷ Đôla mỗi năm và kéo dài gần hai thập kỷ khiến Trump tức giận. Ông ta muốn chấm dứt tình trạng này bằng cách dọa sẽ nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ TQ lên tới 45% và nhiều biện pháp khác nhằm ngăn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hơn nữa, về kinh tế học, việc ngăn nhập khẩu từ Trung Quốc là cần thiết vì Trump muốn chi nhiều tiền (1000 tỷ Đôla) cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu không ngăn được điều này, người đươc hưởng lợi nhiều là Trung Quốc chứ không phải là Mỹ.
Hiện tại, Mỹ dường như đang chuẩn bị các căn cứ cho hành động của mình như cho điều tra tình trạng Trung Quốc vi phạm bản quyền, ép buộc các công ty Mỹ phải giao nộp phát minh nếu muốn ở lại TQ, ngăn các công ty Mỹ tham gia vào các lĩnh vực internet, dịch vụ tài chính, sự thiên vị và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước,…
Tuy nhiên, mức độ và thời điểm xảy ra xung đột này sẽ tùy thuộc khá nhiều vào vấn đề Triền Tiên.
Rủi ro tài chính toàn cầu
Nợ toàn cầu (tính đến tháng 6/2017) lên tới mức kỷ lục 217 nghìn tỷ Đôla, tương đương 327% GDP toàn cầu, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong thập kỷ vừa rồi. Điều này sẽ giảm triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế thế giới, đồng thời đặt hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt rủi ro cao.
Quan trọng, giá các tài sản tài chính quá cao, cao hơn cả những thời điểm khủng hoảng tài chính trước đây gây lo ngại tình trạng bong bóng tài sản tài chính đang diễn ra và đặt khu vực tài chính và kinh tế toàn cầu trước rủi ro cao phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nữa.
Một mối lo khác là từ những rủi ro đang tích lũy trong nền kinh tế Trung quốc: bất động sản dư thừa nhưng vẫn tăng giá, bởi vì chính phủ vẫn muốn duy trì tăng trưởng cao thay vì cải tổ cơ cấu, vì vậy tín dụng trong thời gian gần đây vẫn tăng nóng gây nhiều lo ngại sẽ có đổ vỡ ở Trung Quốc và sẽ lan ra toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn đủ sức kiểm soát được tình hình.
Brexit cũng là một mối lo gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu tuy nhiên những tác động tiêu cực hiện nay cho thấy chủ yếu tác động không tốt đến nước Anh trong khi phần còn lại của EU và thế giới ít bị tác động.
Bitcoin đang tạo ra cơn sốt và có lo ngại bong bóng từ đó gây rủi ro cho tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, qui mô hoạt động của Bitcoin còn nhỏ, nhiều nước chưa công nhận thậm chí cấm, vì vậy không cần lo ngại.
Tóm lại, có xuất hiện một số dấu hiệu về rủi ro tài chính toàn cầu nhưng chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng trong năm 2018.
Fed và lãi suất đồng Đôla Mỹ
Khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất là rất cao. Vì mức lạm phát lõi dự báo tăng lên 2,6% cuối 2018 từ mức 2% trong quí IV 2017. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn và hơn nữa đã nằm trong kỳ vọng của các nhà đầu tư, do đó nếu Fed thực sự nâng lãi suất thì cũng không gây sốc trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đối với Việt Nam cũng vậy, Fed có tăng lãi suất thì cũng chưa tác động nhiều vì lãi suất VND vẫn cao hơn nhiều, dự trữ ngoại hối đủ lớn khiến NHNN có khả năng kiểm soát tốt tình hình.
Như vậy, tình hình kinh tế và thương mại thế giới 2018 nhìn chung có triển vọng tốt. Có một số dấu hiệu rủi ro tài chính nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Chính sách thương mại của Trump sẽ khiến thương mại toàn cầu có sự phân chia và tồn tại song hành hai khuynh hướng: song phương (phần nhiều với Mỹ) và đa phương giữa các nước còn lại. Theo đó, nhiều nước tìm cách có được FTA song phương với Mỹ, trong khi vẫn tìm kiếm tham gia FTA song phương và đa phương với các quốc gia khác.
Tác động gì đến Việt Nam?
Việt Nam là nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu nên sẽ được hưởng lợi từ triển vọng tốt của kinh tế thế giới trong năm 2018. Việc Mỹ từ bỏ TPP làm mất một số lợi thế cho Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp VN cần lưu ý tình trạng bị lợi dụng khi VN tham gia vào các hiệp ước FTA cả song phương hay đa phương. Sự kiện nghi vấn nhôm và thép của Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ là một ví dụ.
Cũng chính từ đây nhiều nghi vấn được đặt ra là doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp của Trung Quốc được lợi nếu TPP trở thành hiện thực.
Điều này cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nếu việc bại lộ không chỉ có các doanh nghiệp vi phạm bị phạt và các doanh nghiệp khác có thể bị trừng phạt lây.
Trong bối cảnh thay đổi của thương mại thế giới khi Mỹ bỏ lối chơi đa phương, các doanh nghiệp Việt muốn giữ được thị phần ở Mỹ thì phải nâng chuẩn của mình lên bởi vì ưu thế mặc cả tay đôi của Mỹ cao hơn trước, do đó, tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ cũng sẽ cao hơn.
Đồng thời, các doanh Việt Nam cần phải tự nâng kỷ luật kinh doanh nhằm tránh bị kiện tụng và/hay bị trừng phạt ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU,...
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp