Tin tức

Đưa trái cây Việt vươn xa

16/08/2010    137

Trái cây Việt Nam có tiềm năng lớn, thị trường tiêu thụ luôn tăng, nhưng phải tăng vùng chuyên canh theo các tiêu chuẩn quốc tế và cần một nhạc trưởng để thống nhất chỉ đạo phát triển.

Trái cây Việt Nam là trái cây nhiệt đới, ngon, quý hiếm, đa dạng và nhiều chủng loại như xoài, thanh long, vú sữa, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… lại chỉ trồng được ở Việt Nam và một vài nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Trái cây Việt có thể thu hoạch quanh năm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ và xuất khẩu. Thêm đó, do điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai thuận tiện nên Việt Nam thích ứng nhanh trong việc trồng các loại trái cây không hạt, trái cây hữu cơ, trái cây có tính chữa bệnh, các loại trái cây trồng từ các giống nhập khẩu…. 

Chương trình phát triển rau quả, trái cây đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 đã xác định Việt Nam sẽ có 3 vùng sản xuất trái cây lớn là ĐBSCL (380 ngàn ha), Đông Nam bộ (150 ngàn ha) và miền núi phía Bắc (230 ngàn ha). Đặc biệt, từ năm 2010, khu vực ĐBSCL bắt đầu xây dựng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản với sản lượng khoảng 3 triệu tấn/năm, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Hiện những đặc sản ở vùng ĐBSCL như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi Vĩnh Long, vú sữa Lò Rèn Tiền Giang, chôm chôm chợ Lách Bến Tre, bưởi da xanh, quýt hồng, cam mật, nhãn tiêu da bò…đang được chú trọng để đạt chuẩn Global GAP nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các thị trường khó tính. . 

Trước những thuận lợi về nhu cầu thế giới tăng, chất lượng trái cây ngày càng được cải thiện, chủng loại ngày càng phong phú, xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2010. Theo Vinafruit nhiều đơn hàng xuất khẩu trái cây của DN trong nước đã được ký kết với số lượng lớn và xuất khẩu sang các thị trường truyền thống cũng không ngừng tăng. Kim ngạch xuất khẩu trái cây các loại 5 tháng đầu năm 2010 đạt 55 triệu USD, tăng 34,8% so cùng kỳ 2009. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, dự báo kim ngạch xuất khẩu trái cây trong năm 2010 có thể đạt 350 triệu USD, tăng 16,7% so năm 2009.

Chú trọng thị trường xuất khẩu 

Hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng giúp các DN ngành rau quả, trái cây trong nước có thêm điều kiện tăng xâm nhập thị trương mới đồng thời với củng cố các thị trường truyền thống. 

Năm tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến sang Trung Quốc đạt trên 20 triệu USD (tăng 34,5% so cùng kỳ 2009). Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu trái cây nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nước này cũng vừa công bố sẽ tăng nhập 8 chủng loại trái cây Việt Nam là xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long. Do có lợi thế về địa lý, thuận tiện trong vận chuyển nên trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể đạt 55 triệu USD trong 2010, tăng 3,2% so 2009. 

Thái Lan là nước xuất khẩu trái cây, song cũng là nơi nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2010, Thái Lan đã nhập 4,4 triệu USD thanh long đỏ ruột từ Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất sang Thái Lan 4,9 triệu USD trái cây các loại (tăng 48,3% so cùng kỳ 2009). Ngoài ra, Thái Lan còn có triển vọng tăng nhập dừa khô lột vỏ, chanh dây từ Việt Nam. 

Với thị trường Nhật, sau khi cam kết giảm thuế xuất khẩu nông sản vào Nhật có hiệu lực, Việt Nam đã tăng xuất trái cây sang Nhật. 5 tháng đầu năm 2010, kim ngạch trái cây sang Nhật đạt 3,7 triệu USD (tăng 404% so cùng kỳ 2009). Chủng loại trái cây xuất sang Nhật ngày càng phong phú, cạnh thanh long còn có xoài, sơri, đu đủ xanh, dừa, nho xấy khô… và tương lai là bơ, vú sữa… 

Để mở rộng thêm thị trường cho trái cây Việt, mới đây, trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Vinafruit đã tổ chức đoàn DN sang khảo sát, tiếp cận thị trường Ai Cập - Trung Đông. Sau các phiên làm việc, đoàn đã tìm được 27 khách hàng mua sản phẩm chế biến từ dừa. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, nhu cầu các sản phẩm từ dừa tại Ai Cập ngày càng tăng, vì thế sản phẩm chế biến từ dừa, một số nông sản Việt Nam khác có nhiều khả năng cạnh tranh tốt tại Ai Cập và thị trường Ai Cập sẽ là thị trường quan trọng đối với ngành rau quả trong tương lai. 

Liên kết để nâng tầm

Theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trái cây trong nước đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất trái cây tại Việt Nam không thể tồn tại mô hình sản xuất cá thể, không sản lượng lớn, chất lượng không đồng đều, thiếu thương hiệu, yếu quảng bá - tiếp thị, nhất là không thể thiếu nhạc trưởng trong việc xây dựng vùng chuyên canh lớn hàng ngàn ha. 

Đại diện các Sở NN-PTNN vùng ĐBSCL cũng cho rằng, Nhà nước nên là nhạc trưởng trong xây dựng mô hình phát triển mới. Chỉ có Nhà nước mới vận động có hiệu quả sự tham gia của các ngân hàng trong hỗ trợ nông dân tăng diện tích gieo trồng theo đúng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, giúp DN tăng đầu tư cơ sở như kho lạnh, kho mát để dự trữ, bảo quản trái cây… sau thu hoạch 

Các chuyên gia đều cùng một nhận định là để tăng năng lực cạnh tranh cho trái cây Việt trên trường quốc tế, cần tăng cường đầu tư mạnh hơn cho trái cây. TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, trong đầu tư nên tập trung vào phát triển các mô hình đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP.

Do đặc thù cây ăn trái Việt Nam bao gồm nhiều chủng loại và trồng ở nhiều vùng có điều kiện khí hậu, sinh thái khác nhau, nên Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Bùi Bá Bổng  khuyến cáo không nên phát triển đại trà trái cây mà nên trồng đồng bộ gắn với khâu thu mua, tiêu thụ để hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng không kém phần quan trọng và nên xem là một chiến lược mang tầm quốc gia. Tự thân nhà nông không thể xây dựng được thương hiệu mà cần sự hiệp lực từ các Bộ, ngành, địa phương.

Về phía DN, ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, một DN thành công trong phát triển ngành rau quả, trái cây cho biết, để phát triển bền vững, 4 yếu tố quan trọng cần đạt được đối với một DN ngành rau quả, trái cây là liên minh với nông dân để tăng sản lượng - đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất - chế biến, nâng cấp trang thiết bị sản xuất - chế biến, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế - trong nước và quảng bá thương hiệu - tiếp thị sản phẩm.

Nguồn: Báo Công Thương Điện t