Tin tức

Ba thị trường triển vọng đối với nhà đầu tư Việt Nam

16/08/2010    79

Mở rộng đầu tư ra khỏi lãnh thổ là một trong những chủ trương của Nhà nước từ khi nền kinh tế chuyển đổi, bước vào hội nhập. Từ đó đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Lào và gần đây là đầu tư vào Myanmar, một thị trường đầy tiềm năng. 

 Trải qua bao thăng trầm, đến nay chúng ta có thể yên tâm phần nào về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trước các đối thủ, nhưng vẫn chưa thể bằng lòng với những thành quả ban đầu này.

Campuchia: Kim ngạch thương mại tăng vọt

Theo công bố của Bộ Thương mại Campuchia, lần đầu tiên kể từ một năm qua, Việt Nam đã tiếp quản vị trí số một trong danh sách những nhà đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh nhiều nhất ở Campuchia.

Thống kê của Bộ Thương mại Campuchia hồi tháng 5/2010 cho thấy Việt Nam đã vượt qua hai nhà đầu tư nước ngoài hùng mạnh khác là Trung Quốc và Hàn Quốc, để trở thành động lực cho làn sóng những công ty nước ngoài đăng ký kinh doanh tại xứ Chùa Tháp.

Những con số này khẳng định các doanh nghiệp của chúng ta - đa phần được sự hậu thuẫn của Chính phủ - liên tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường Campuchia trong năm qua và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Agribank, ngân hàng lớn nhất Việt Nam về số tài sản, công bố mở chi nhánh đầu tiên tại Campuchia vào tháng 6 và trở thành ngân hàng thứ ba của Việt Nam thâm nhập thị trường này, sau Sacombank và Ngân hàng liên doanh Đầu tư và phát triển Campuchia (BIDC). Đây là những ngân hàng hỗ trợ cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia, cho vay tín dụng kịp thời cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, công ty chi nhánh của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) mới gia nhập thị trường viễn thông Campuchia vốn đã rất chật chội hồi năm ngoái, nhưng nay đã bám sát đối thủ chiếm thị phần lớn nhất nước này là Mobitel của Tập đoàn Royal.

Trong khi đó, Tập đoàn Petro Vietnam cũng đã khai trương chi nhánh của mình là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFC) tại Campuchia, góp phần làm kim ngạch thương mại song phương Campuchia và Việt Nam đã tăng vọt 127%, lên 432,5 triệu trong quý I/2010 so với mức 190,5 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Dù tốc độ tăng trưởng này được thống kê vào thời điểm giao thương giảm sút do giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng nó cũng lớn gấp ba lần tỷ lệ tăng kim ngạch thương mại Campuchia - Thái Lan trong cùng kỳ.

Mối quan hệ thương mại lâu dài đã giúp các công ty Việt Nam giành được thị phần trong nhiều khu vực như nông nghiệp, chế biến nông sản và vật liệu xây dựng. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thường xuyên công khai khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện hàng hóa Việt Nam đang chiếm vị trí thứ hai tại Campuchia sau Thái Lan. Ông Yi Thoon, Phó tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia cho rằng, các lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm đầu tư tại Campuchia trong thời gian tới là nông nghiệp,

thương mại, du lịch, năng lượng, vận tải (đường bộ - đường sông), khai thác mỏ (dầu) và nhu cầu phát triển nhân lực. Đặc biệt là nông nghiệp, 80% người dân Campuchia có cuộc sống liên quan đến nông nghiệp.

Campuchia có trên hai triệu hecta đất trồng lúa, nhưng trung bình chỉ đạt 2,8 tấn/ha, trong khi tại Việt Nam có thể đạt 10 tấn/ha. Hiện nông nghiệp Campuchia đang thiếu chuyên môn, thiếu vốn, vì thế doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư cho nông dân về vốn và kỹ thuật canh tác.

Chính phủ Campuchia cũng đang tập trung vào đầu tư cho nông nghiệp như xây dựng hệ thống thủy lợi. Đang có khoảng 40 đối tác lớn từ Việt Nam hoạt động tại Campuchia với trên 600 triệu USD vốn đầu tư, mang lại việc làm cho 30 ngàn lao động Campuchia.

Lào: Triển vọng đầu tư về nông lâm khoáng sản

Từ những bước thăm dò vào cuối thiên niên kỷ với Savimex, Cimexcol…, tám năm sau Việt Nam trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Lào, trong đó, triển vọng hơn cả là về lĩnh vực nông lâm sản, đặc biệt là cao su.

Thủy điện được xếp vào hàng triển vọng thứ hai, với kỳ vọng giúp khai thác, phục vụ phát triển kinh tế tại Lào, đồng thời bổ sung vào lưới điện của Việt Nam trong lĩnh vực khoáng sản, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp thế mạnh và hiện nay một số doanh nghiệp khai thác mỏ Việt Nam đang đạt nhiều kết quả tốt.

Ngoài ra, bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ khách sạn... là những ngành hấp dẫn, hứa hẹn có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đổ vốn vào đầu tư mà gần đây nhất là Công ty golf Long Thành vừa khởi công dự án xây dựng sân golf và khách sạn vốn đầu tư lên đến một tỉ USD.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước gặt hái thành công về xây dựng các công trình giao thông thì Hoàng Anh Gia Lai hiện dẫn đầu trong số các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư vào Lào với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD gồm 30.000 hecta cao su (đã trồng được 12.000 hecta); hai dự án thủy điện có công suất 120MW; một mỏ đồng và một mỏ sắt tại tỉnh SeKong.

Tuy nhiên, hạn chế của thị trường Lào là nguồn nhân lực thiếu, tác phong công nghiệp yếu và hạ tầng chưa đồng bộ. Để tìm lợi thế làm ăn, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định tài trợ không hoàn lại 30 triệu USD để xây một cây cầu dài 100 mét, có trọng tải 50 tấn, một làng định cư gồm 250 ngôi nhà (hai công trình này đã khai trương); xây dựng một bệnh viện 200 giường; tài trợ 500 triệu đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo; xây mới khu trung tâm hành chính huyện Phu Vông có quy mô 15.000 dân…

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT kỳ vọng: “Vào năm 2014, sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư các dự án nói trên, Hoàng Anh Gia Lai sẽ giúp 15.000 lao động có việc làm ổn định, tạo kim ngạch khoảng 300 triệu USD một năm; đóng góp ngân sách 50 triệu USD”.

Lâu nay chuyện làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào được thuận lợi do quan hệ truyền thống giữa hai nước luôn tốt đẹp. Nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước Lào từng học tập tại Việt Nam thời gian dài nên am hiểu tập quán làm ăn của nhau.

Myanmar: Thị trường giàu tiềm năng

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar thực sự khởi sắc từ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam sang Yangoon tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa hai nước hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan nhà nước Myanmar sẽ có các biện pháp khuyến khích, giúp đỡ các nhà đầu tư của Việt Nam trong việc tìm kiếm dự án, tiếp cận hệ thống pháp luật và cấp phép đầu tư cũng như hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Myanmar hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, cùng có lợi.

Hiện nay, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản, viễn thông, ngân hàng, hàng không đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét; nhiều dự án khác đang được các nhà đầu tư Việt Nam và Myanmar trao đổi, thảo luận thống nhất bước cuối cùng trước khi trình xin cấp phép.

Myanmar là địa bàn giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, xây dựng hạ tầng cũng như các ngành dịch vụ. Đó cũng là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và có thế mạnh.

Từ đó đến nay, ít nhất đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar đã lên đến hơn 1 tỉ USD và đang đứng trong Top đầu các công ty nước ngoài làm ăn tại Myanmar.

Mười ngày trước đây, trong một cuộc hội thảo liên quan đến tình hình làm ăn tại Myanmar do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Chu Công Phùng, đại sứ Việt Nam tại nước bạn, khẳng định hiện nay là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp Việt Nam vào làm ăn tại Myanmar, bởi đất nước này sẽ mở cửa thị trường sau cuộc bầu cử vào tháng 7 năm nay.

Một vài doanh nhân có mặt tại Myanmar thời gian qua cho rằng tình hình kinh tế tại đây gần giống như thời kỳ đầu mở cửa ở nước ta. Cũng những thủ tục hành chính nhiêu khê, điều kiện giao thương chưa thực sự thuận lợi, tình trạng thiếu hàng hóa trầm trọng, cơ chế xin cho vẫn còn nặng nề, hệ thống ngân hàng yếu kém…

Thế nhưng thuận lợi lớn là doanh nghiệp chúng ta đã từng có nhiều kinh nghiệm làm ăn trong những điều kiện khó khăn nhất, thị trường 60 triệu dân đầy tiềm năng và một chi phí lao động còn rất thấp với mức lương bình quân một lao động là 50 USD/tháng.

Không những thế, Myanmar cũng đang có một số vướng mắc trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề người dân tộc thiểu số, cũng như đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng hàng hóa Thái Lan.

Trong khi đó Chính phủ Myanmar lại có thiện cảm với doanh nghiệp Việt Nam qua quá trình đầu tư tuy còn ngắn ngủi nhưng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là sẵn sàng hỗ trợ nước bạn trong một vài hoạt động, chẳng hạn Tập đoàn Hoa Sen sản xuất tôn đang chiếm lĩnh thị trường và đã tài trợ 300.000 USD cho đội bóng đá quốc gia Myanmar trong năm nay.

***

Chuyện làm ăn ở ba thị trường truyền thống vừa kể chính là cuộc tập dượt lớn để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đi xa hơn trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam