Gắn kết việc nuôi, chế biến, dự báo thị trường cho con cá tra
11/08/2010 84Tính đến cuối tháng 6/2010, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đạt 3.749ha, sản lượng thu hoạch 756.940 tấn; kim ngạch xuất khẩu hơn 534 triệu USD (khoảng 248.836 tấn sản phẩm thành phẩm), tăng 19,4% về sản lượng và 11,6% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Dự kiến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương trong vùng nuôi cá tra, đa phần hộ nuôi cá dưới 1ha đều thua lỗ, hoà vốn... Giá xuất khẩu và giá thu mua thấp, hiệu quả của người sản xuất và chế biến chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, do đó cần sớm thành lập hiệp hội cá tra để hiệp hội điều hành việc nuôi, chế biến, dự báo thị trường…
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP)cho biết, việc xuất khẩu cá tra hiện không theo quy luật nào, mà DN tự do bán và bán với nhiều mức giá khác nhau. Vì thế người nuôi, DN cùng các địa phương nuôi cá vùng ĐBSCL cần xác định lại chuỗi giá trị sản phẩm cá tra để có định hướng sản xuất rõ ràng, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau trong giá bán.
Theo ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ở Bến Tre, hộ nuôi dưới 1ha một là bán ao, hai là cho người khác thuê lại. Vấn đề này đặt ra là phải đẩy nhanh việc hình thành liên kết giữa các hộ nuôi nhỏ lẻ thành tổ hợp tác, hoặc các hộ liên kết với DN chế biến để cùng phát triển. Ngoài ra, hiện nay cá tra xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận đối với người nuôi, DN chế biến xuất khẩu không đáng bao nhiêu, mà lợi nhuận chủ yếu thuộc về DN nhập khẩu nước ngoài. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá bán của DN Việt Nam khi chào hàng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, người nuôi, DN xuất khẩu đều thiệt và khó giải quyết được bài toán cung - cầu.
Cũng liên quan đến vấn đề giá bán, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Về giá sàn, cần quy định tiêu chuẩn cụ thể, người nuôi với tiêu chuẩn nào thì giá đó, chứ không thể đánh đồng cùng giá. Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhấn mạnh, phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản xuất (GlobalGAP, GAP, VietGAP...) để tránh làm ảnh hưởng những hộ nuôi cá nhỏ lẻ và tạo điều kiện để họ gắn kết với nhau cùng chia sẻ và phát triển. Cụ thể nhóm DN lớn sẽ xuất khẩu vào thị trường cấp cao, nhóm DN vừa và nhỏ xuất vào thị trường cấp thấp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, cần có chương trình xúc tiến thương mại riêng cho con cá tra, đồng thời mở rộng thị trường nội địa. Ngoài ra, cần phải mở rộng quản lý xuất khẩu cá tra, thống nhất nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP cho tất cả vùng nuôi cá tra thương phẩm (từ 10ha trở lên) trong 5 năm tới, đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí lần đầu cho các trại nuôi. Bên cạnh đó thành lập quỹ "Bảo vệ chất lượng và bình ổn giá cá tra" theo cơ chế thị trường bằng cách thu phí xuất khẩu từ sản phẩm cá tra với mức 0,05-0,1 USD/kg. Quỹ này sẽ do Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra cùng cộng đồng DN quản lý có nhiệm vụ hỗ trợ người nuôi cá thực hiện Glolbal GAP trên vùng nuôi của mình, hỗ trợ DN khi gặp khó khăn.
Khi phong trào nuôi cá tra mới manh nha ở ĐBSCL, cung thấp hơn cầu, nên giá cao. Nhưng khi phong trào tự phát ào ạt đã phá vỡ cán cân cung - cầu và hệ lụy là ô nhiễm nguồn nước, môi trường từ nuôi, chế biến ngày một tăng. Vì thế, các tỉnh phải đẩy nhanh việc vận động cho ra đời hiệp hội cá tra để đưa ra thông tin thị trường chính xác, giúp cho công tác điều hành sản xuất của các địa phương tốt hơn. Mặt khác, DN cũng nên chọn thị trường mục tiêu cho mình và tập họp nhóm DN để đưa ra giá sàn, tránh tình trạng bán phá giá, cùng nhau xây dựng thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích. Khi có thị trường mới mở rộng vùng nuôi, khi đó nghề nuôi cá tra mới thực sự bền vững.
Nguồn: Báo Công Thương Điện tử
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam