Tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam

03/11/2017    353

Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hy vọng của Việt Nam về sự trỗi dậy vượt bậc nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đến thời điểm này lại phụ thuộc rất nhiều vào hiệp định khả thi nhất - FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này tác động như thế nào đến nền kinh tế và vị thế Việt Nam trong khu vực ASEAN?

Để nhìn nhận thêm về EVFTA, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam: Tác động và kỳ vọng” diễn ra ngày 2/11, tại Hà Nội. Hội thảo là cơ hội để trao đổi, thảo luận những đánh giá, cập nhật về tác động của EVFTA đối với tổng thể và các phân ngành kinh tế Việt Nam. Qua đó, nhận định những cơ hội cũng như các định hướng và giải pháp xử lý ứng phó với những thách thức nhằm tối đa hóa lợi ích mà EVFTA mang lại.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán năm 2015 và đang trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và thực thi. Với tính toàn diện, chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, hiệp định có thể có tác động đáng kể đối với kinh tế Việt Nam. Một khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng 20-25%. Đồng thời, hiệp định này cũng trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Trải qua 11 vòng đàm phán, EVFTA hiện đang trong giai đoạn về đích, dự kiến được ký kết và triển khai trong năm 2018 . EVFTA được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở cửa thị trường toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Để đánh giá ý nghĩa của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho biết phải dựa trên 3 tiêu chí: vị thế của đối tác, tác động đến tiến trình xây dựng thể chế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và tác động đến tăng trưởng thông qua thu hút đầu tư và mở rộng xuất khẩu. Có thể thấy điểm nổi bật trong quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau, rất ít lĩnh vực hai bên cạnh tranh đối đầu. Vì vậy, cả Việt Nam và EU đều tin tưởng Hiệp định Thương mại tự do song phương sẽ mang lại lợi ích lớn nhưng cũng không ít thách thức cho cả hai bên.

Đồng quan điểm với ông Trương Đình Tuyển về tầm quan trọng của EVFTA mang lại, ông Claudio Dordi - Trưởng nhóm tư vấn chuyên gia nước ngoài, Dự án EU-MUTRAP khẳng định, “Những phát triển tích cực trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương trong khoảng 2 thập kỷ qua đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là một trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để khẳng định tiềm năng phát triển hơn nữa thương mại, đầu tư và hợp tác giữa hai bên sau khi EVFTA được ký kết”.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi một số hàm ý về tác động của EVFTA trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Cụ thể, EVFTA sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay. Việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ được coi là một trong những bước đột phá thành công của EVFTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của hai bên như: dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô xe máy, một số loại nông sản của EU…

Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, Việt Nam cũng sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu. Hiệp định này cũng sẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Việt Nam đã đồng ý với việc tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông bưu chính và chuyển phát nhanh. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho EU, như thông qua việc dỡ bỏ hoặc hạ bớt những hạn chế trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thực phẩm hoặc đồ uống, cũng như trong các lĩnh vực phi thực phẩm.

Nguồn: Báo Công thương