Tin tức

Đàm phán Brexit: Bế tắc do đâu?

18/10/2017    38

Năm vòng đàm phán Brexit vẫn chưa đủ để nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về thủ tục chia tay trong bối cảnh sự chia tay chính thức đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29/3/2019.

Vòng đàm phán thứ 5 về tiến trình Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, đã kết thúc vào cuối tuần trước, song theo Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier thì kết quả quá ít ỏi nên ông không thể khuyến cáo Hội nghị thượng đỉnh châu Âu sắp diễn ra rằng đàm phán Brexit có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Dùng dằng

Các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU chính thức được khởi động từ ngày 19/6. Theo lộ trình, ngày 19/10 tới, hai bên phải xong được về thủ tục chia tay để bước sang giai đoạn 2, đàm phán về quan hệ thương mại khi mà nước Anh không còn là thành viên của thị trường chung châu Âu. 

Tuy nhiên, trải qua 5 vòng thương lượng, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ mà như nhận định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức được tổ chức ở Tallinn hồi cuối tháng 9, "từ nay đến cuối tháng 10, hai bên không thể đạt được tiến bộ đầy đủ, trừ phi có phép màu xảy ra". 

Bế tắc lớn nhất hiện nay, theo Trưởng đoàn đàm phán EU, là vấn đề thực hiện các cam kết về nghĩa vụ tài chính của Anh đối với Liên minh này- một trong 3 vấn đề chính mà theo EU là cần được đàm phán thông suốt trước khi 2 bên nói tới quan hệ tương lai, trong đó có điều mà London luôn mong mỏi sớm hoàn tất là các thỏa thuận về thương mại song phương hậu Brexit.

Ông Barnier đánh giá nước Anh vẫn chưa đưa ra được một đề xuất cụ thể nào về cách thanh toán nghĩa vụ tài chính - điều mà ông cho là vô cùng đáng lo ngại đối với các nhà quản lý dự án cũng như những người đóng thuế của EU. 

Bất chấp những động thái nhượng bộ mềm mỏng hơn từ phía Chính phủ Anh thời gian gần đây, các quan chức EU vẫn kiên quyết lập trường rằng cần đạt được thỏa thuận rõ ràng về việc nước Anh rời khỏi khối trước khi có thể cân nhắc thỏa thuận thương mại tương lai giữa 2 bên. 

Phía EU cho rằng, khi 2 bên chưa ngã ngũ chuyện chia tay ra sao thì chưa thể bàn xem sau này sẽ đầu tư buôn bán với nhau như thế nào. Trong khi đó, phía Anh lại muốn biết sau này sẽ thâm nhập được tới đâu vào thị trường chung châu Âu, lấy đó làm điều kiện để dứt điểm chuyện chia tay.

Các nguồn tin EU cho biết các nhà lãnh đạo của khối dự kiến sẽ tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ mà không có sự tham gia của Anh về mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh sau khi "xứ sở sương mù" rời khỏi khối. Cuộc thảo luận này sẽ cho phép EU nhanh chóng giải quyết các vấn đề như quan hệ thương mại nếu các nhà đàm phán “đạt đủ tiến bộ" về các điều khoản của thỏa thuận "ly hôn" muộn nhất là tháng 12 tới. 

"Ly hôn" không thỏa thuận

Theo quy định, nước Anh sẽ rời khỏi EU vào tháng 3/2019, bất kể có thỏa thuận nào hay không. Mặc dù chỉ còn hơn một năm nữa nhưng đàm phán vẫn chưa ngã ngũ nên nhiều báo, trong đó có tờ Ouest-France của Pháp, cho rằng kịch bản Brexit không có thỏa thuận ngày càng trở nên hiện thực.

Tờ báo phỏng vấn một chuyên gia, ông này nói rằng, không có thỏa thuận sẽ là thảm họa kinh hoàng được đối với nước Anh và cũng sẽ không tốt cho EU nhưng ở mức độ thấp hơn. Không có hiệp định thương mại, Anh sẽ phải buôn bán với châu Âu theo quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phải chịu thuế hải quan, mất đi toàn bộ lợi ích đang có, vì không còn được tự do tiếp cận thị trường chung châu Âu nữa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang chuẩn bị đối phó với kịch bản tồi tệ nhất là không có thỏa thuận thương mại, kinh tế nước Anh đột ngột bị tách rời khỏi thị trường chung châu Âu.

Reutlinger Nachrichten, một tờ báo Đức cho biết Liên đoàn Công nghiệp Đức đã ra khuyến cáo "các doanh nghiệp Đức phải chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa" và rằng "Liên đoàn Công nghiệp Đức theo dõi đàm phán với tâm trạng lo lắng và sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản".

Dẫu vậy, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định chính phủ nước này không hướng tới viễn cảnh chấm dứt đàm phán với EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, dù nhấn mạnh chính phủ đang chuẩn bị sẵn các phương án về tài chính và thương mại cho mọi trường hợp. 

Trong diễn biến liên quan, EU và Anh đã gửi thư tới WTO thông báo dự định chia sẻ một cơ chế hạn ngạch nhập khẩu nông sản và cam kết sẽ minh bạch và hợp tác cởi mở, mang tính xây dựng với các đối tác quốc tế, đồng thời nỗ lực để giảm thiểu sự gián đoạn đối với hoạt động thương mại hậu Brexit.

Nguồn: Báo Chính phủ