Tin tức

Thuế nhập khẩu từ Nhật Bản, Chi Lê và Liên minh Kinh tế Á Âu sẽ giảm ra sao?

13/10/2017    41

 Bộ Tài chính vừa hoàn thiện 3 dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt để thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu.

Kèm theo dự thảo 3 Nghị định là các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt tại 3 thị trường này trong giai đoạn từ 2018- 2022.

Theo lộ trình cam kết, thuế suất trung bình của Biểu thuế VJEPA (Việt Nam - Nhật Bản) giai đoạn 2015 - 2017 là 4,8% và giai đoạn 2018 - 2022 giảm xuống còn 3%.

Thuế suất VCFTA (Việt Nam - Chi Lê) được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê.

Theo lộ trình cam kết, thuế suất trung bình của Biểu thuế VCFTA giai đoạn 2015-2017 là 9%, giai đoạn 2018- 2022 giảm xuống còn 2,13%.

Về tổng thể, Biểu thuế VJEPA và VCFTA gồm 10.869 dòng thuế (bao gồm 230 dòng thuế CKD), trong đó gồm 10.770 dòng thuế cấp độ 8 số và 99 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Còn thuế suất VN-EAEU FTA (Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á Âu) gồm 10.633 dòng thuế (không bao gồm 230 dòng thuế CKD), trong đó có 10.772 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 91 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho từng năm, từ ngày 1/1 đến 31/12 của từng năm, bắt đầu từ 2018 đến hết năm 2022.

Theo lộ trình cam kết, thuế suất VN-EAEU FTA được cắt giảm dần đều qua các năm. Thuế suất trung bình của giai đoạn 2018- 2022 lần lượt là 3,8% vào năm 2018, 2,8% vào năm 2019, 1,8% vào năm 2020, 1,4% vào năm 2021 và 1,1% vào năm 2022.

17 dòng thuế áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc 2 nhóm mặt hàng là trứng gia cầm và thuốc lá chưa chế biến.

Trước đó, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi đối với 7 dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do ASEAN, ASEAN- Nhật Bản, ASEAN- Ấn Độ, ASEAN- Austraylia- Niu Di lân, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN- Trung Quốc, Việt Nam- Hàn Quốc.

Bộ Tài chính thời điểm này phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định nêu trên để thực thi các Hiệp định thương mại tự do, phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới theo Danh mục AHTN 2017.

Danh mục AHTN 2017 là Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 109/2016/NQ-CP. Danh mục AHTN 2017 đã cập nhật kịp thời những thay đổi về công nghệ, thương mại và phân loại hàng hóa để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường, đảm bảo hài hòa với hệ thống mô tả, chú giải và mã hàng quốc tế giai đoạn mới.

Danh mục AHTN 2017 gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số. So với danh mục năm 2012 đã tăng lên 1.255 dòng./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam