Tin tức

Hội đàm cấp cao Mỹ-Canada: Các quân bài vẫn chưa được tung ra hết

13/10/2017    36

Quân bài mà Tổng thống Donald Trump ám chỉ là việc ông vẫn đang cân nhắc chấm dứt thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10 đã tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở thủ đô Washington nhằm thảo luận về các cuộc đàm phán “khó khăn” đang diễn ra liên quan thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về số phận thỏa thuận này, dư luận kỳ vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Canada sẽ góp phần tạo ra những bước đột phá.

Đây là lần thứ 2 Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Nhà trắng. Tuy nhiên không giống với với lần gặp đầu tiên hồi tháng 2, cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hai nước thời gian qua đã gặp nhiều cú sốc.

Đầu tiên phải kể đến thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico có hiệu lực từ năm 1994 song lại đang phải đàm phán lại do vấp phải sự phản đối của Tổng thống Donald Trump. Điều đặc biệt là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Canada diễn ra trùng thời điểm vòng đàm phán thứ 3 về vấn đề này.

Ngay trước khi bước vào các cuộc thảo luận với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại phòng Bầu dục, ông Donald Trump dù khẳng định "mối quan hệ cá nhân tốt đẹp" với nhà lãnh đạo trẻ của Canada, song cũng cảnh báo, “các quân bài vẫn chưa được tung ra hết”, ngầm ám chỉ việc chấm dứt thỏa thuận này cũng là một trong những giả thuyết đang được cân nhắc. Ông đồng thời một lần nữa nhắc lại quan điểm, chính phủ Mỹ phải bảo vệ người lao động của mình.

“Chúng ta đang đàm phán về một thỏa thuận NAFTA và đã đến thời điểm sau nhiều năm chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi”, ông Trump nói. “Chúng tôi phải bảo vệ công nhân của chúng tôi và theo một cách công bằng thì Thủ tướng Trudeau cũng muốn bảo vệ người dân Canada. Mọi thứ sẽ ổn nhưng điều quan trọng là phải đạt được một thỏa thuận công bằng đối với cả hai nước”.

Chuyến thăm Mỹ của ông Trudeau cũng diễn ra vào thời điểm chính quyền Mỹ muốn áp đặt thuế đối tháng và thuế chống bán phá giá đối với dòng máy bay C Series mới của hãng chế tạo máy bay Bombardier của Canada, cho rằng họ đã nhận được những khoản trợ cấp đáng kể từ Chính phủ và đang được bán thấp  hơn so với giá sản xuất.

Cũng giống như lần gặp đầu tiên khi cho thấy sự bất đồng sâu sắc với Mỹ về nhiều vấn đề từ thương mại đến nhập cư, tại cuộc gặp ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Canada tiếp tục cảnh báo sẽ không tiếp tục hợp đồng mua 18 máy bay chiến đấu Super Hornet của Hãng sản xuất máy bay Boeing nếu Mỹ vẫn tiếp tục quyết định trừng phạt Bombardier, đồng thời bày tỏ hai nước có thể cải thiện mối quan hệ không mấy êm đẹp hiện nay.

“Thật tuyệt khi được trở lại phòng Bầu dục này và như Tổng thống Mỹ đã nói chúng tôi có rất nhiều vấn đề phải thảo luận”, ông Trudeau nói. “Chúng ta có một mối quan hệ rất thân thiết, nhưng hai nước chúng ta cũng có mối liên hệ gắn bó về kinh tế và văn hóa. Chúng ta có mối quan hệ đối tác tốt và luôn có những cách để cải thiện mối quan hệ này. Và đó là lý do tại sau mối quan hệ xây dựng hiện nay giữa lãnh đạo hai nước có vai trò thực sự quan trọng”.

Mối quan hệ song phương với Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với Canada vì 75% hàng xuất khẩu nói chung và 98% xuất khẩu dầu mỏ nói riêng của Canada là sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, chỉ khoảng 18% hàng hóa của Mỹ vào thị trường Canada. Do vậy, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng Canada sẽ bị gạt sang một bên nếu Tổng thống Donald Trump chuyển trọng tâm sang Mexico trong tiến trình đàm phán lại NAFTA.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích văn kiện này đã lấy đi việc làm của người Mỹ và tuyên bố muốn xem xét lại thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA nếu các đối tác từ chối xem xét lại.

Tiến trình đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ được khởi động từ giữa tháng 8 vừa qua. Ba vòng thảo luận đã diễn ra mà không đạt được bất kỳ bước tiến quan trọng nào.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ hôm qua cho biết, vòng đàm phán mới sẽ kết thúc vào ngày 17/10 với một cuộc họp báo chung 3 bên. Quỹ tiền tệ quốc tế hôm qua cảnh báo, xu hướng bảo hộ sẽ làm giảm các luồng thương mại và đầu tư xuyên biên giới, gây cản trở tăng trưởng toàn cầu.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế, ông Maurice Obsfeld, bất kỳ điều gì gây cản trở thương mại và các mối quan hệ thương mại xuyên biên giới, trong đó có cả việc đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bác Mỹ đều có thể gây hậu quả đối với tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày hôm qua tại Mexico, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ Thomas Donohue lại chỉ ra một viễn cảnh không mấy tích cực khi tuyên bố, hiện có nhiều yếu tố có thể khiến thỏa thuận bị đổ vỡ hoàn toàn, đặc biệt nhấn mạnh tới một điều khoản theo đó văn kiện sẽ tự động hết hiệu lực sau 5 năm nếu 3 bên không đạt được sự nhất trí gia hạn.

Ông này cũng đề cập tới một cơ chế giải quyết các  tranh chấp thương mại giữa nhà nước và nhà đầu tư, điều mà chính quyền Mỹ dường như không muốn, song lại được nhiều doanh nghiệp tại nước này ủng hộ. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể trực tiếp đệ đơn kiện các chính phủ. Sau Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tiếp tục tới Mexico để gặp Tổng thông Enrique Pene Nieto./.

Nguồn: vov.vn