Tin tức

Người dân Canada quan ngại về FTA với Trung Quốc

11/10/2017    44

Trong những năm gần đây, Chính phủ Canada tỏ rõ thái độ muốn tăng cường trở lại quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một phần của chiến lược đa dạng hóa thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đang phải đối mặt với thách thức làm thế nào lôi kéo được nhiều hơn nữa sự ủng hộ của người dân đối với thoả thuận này.

Quan ngại về kinh tế là yếu tố quan trọng nhất quyết định thái độ của người dân Canada đối với FTA với Trung Quốc. Những người phản đối cho rằng mở rộng thương mại với Trung Quốc sẽ khiến hàng hoá giá rẻ tràn vào thị trường Canada. Trong khi đó, những người ủng hộ lại coi FTA là cơ hội thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Canada trên thị trường thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách, giới học giả cho rằng có 4 nhân tố tác động đến thái độ của người dân đối với việc thúc đẩy FTA với Trung Quốc. Thứ nhất là những lo lắng về tác động tiêu cực tới nền kinh tế như gia tăng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, sự kiểm soát của các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) Trung Quốc, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm đối với những lao động có trình độ và tay nghề trung bình. Thứ hai là khác biệt về các giá trị, văn hoá và chính trị giữa hai nước. Thứ ba là ảnh hưởng từ quan điểm chống tự do thương mại ở Mỹ và châu Âu. Thứ tư là những lo ngại về an ninh mạng và quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, lo lắng về gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở phương Tây là lý do khiến nhiều người dân Canada quay sang ủng hộ FTA với Trung Quốc. Mối lo này lấn át cả những băn khoăn về khác biệt văn hoá, chính trị giữa hai nước. Trong khi đó, lo ngại về nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với Mỹ là lý do khiến một số người phản đối FTA với Trung Quốc.

Nắm được điều này, Chính phủ cần lôi kéo được sự ủng hộ của người dân thông qua một nghị trình thương mại phù hợp với lợi ích kinh tế của số đông và đảm bảo sự phát triển thịnh vượng cho đất nước, thay vì chỉ tập trung vào các nhóm lợi ích. Bên cạnh đó, Canada cũng cần đánh giá đúng quan ngại của doanh nghiệp và người dân về những khác biệt văn hoá, chính trị và các vấn đề an ninh.

Cuối cùng, tâm lý gia tăng bảo hộ thương mại tại Mỹ, việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra môi trường toàn cầu thuận lợi cho Canada theo đuổi quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Đây là lúc Chính phủ cần tranh thủ nắm bắt cơ hội để củng cố lòng tin ở công chúng về triển vọng từ mở rộng quan hệ thương mại với Bắc Kinh. 

Nguồn: Báo Hải quan