Đối với thương nhân xuất khẩu
05/08/2010 94Hàng hóa để được cấp CFS chỉ cần được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện về việc công bố sản phẩm. Việc lưu thông thực tế trên thị trường (bán, trưng bày, giới thiệu, v.v…) không phải là điều kiện bắt buộc để được cấp CFS.
CFS được cấp trên yêu cầu của thương nhân xuất khẩu và không phải là chứng từ bắt buộc khi xuất khẩu. Thông thường, thương nhân đề nghị được cấp CFS là do yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong trường hợp này, nước nhập khẩu muốn đảm bảo hàng hóa này (của Việt Nam) trước khi đưa vào tiêu thụ tại thị trường nước nhập khẩu, hàng hóa, sản phẩm đó phải được công nhận là đã được lưu hành tự do tại Việt Nam.
Thương nhân có thể xin cấp một CFS cho một mặt hàng để sử dụng trong phạm vi có hiệu lực của CFS (2 năm) và sử dụng CFS này cho nhiều lô hàng xuất khẩu nhiều lần. Trường hợp thương nhân muốn xin cấp từng CFS cho từng lô hàng xuất khẩu của cùng loại mặt hàng, cơ quan cấp CFS có thể cấp theo yêu cầu này của thương nhân.
Để tránh mất thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí, thương nhân cần nhận biết rõ mặt hàng xuất khẩu của mình thuộc thẩm quyền cấp CFS của Bộ ngành nào. Để làm được điều này, thương nhân cần nghiên cứu kỹ Phụ lục 1 của Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg.
Thương nhân cần đăng ký hồ sơ thương nhân trước khi xin cấp CFS và chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp CFS đầy đủ, hợp lệ. Trong bộ hồ sơ, thương nhân cần đặc biệt lưu ý phải có bản sao có chứng thực của bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa; hoặc trên bao bì hàng hóa; hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa).
Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS có thể cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu nhưng CFS đó phải đáp ứng các thông tin tối thiểu được quy định tại Điều 5, Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg.
Thẩm quyền cấp CFS thuộc về các Bộ ngành nêu cụ thể tại Phụ lục số 01 của Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg. Trường hợp sản phẩm hàng hóa không thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan nêu tại phụ lục nói trên, Bộ Công Thương là cơ quan cấp CFS. Bên cạnh đó, thương nhân cần lưu ý CFS không bắt buộc phải nộp cho cơ quan Hải quan khi xuất khẩu.
Đối với thương nhân nhập khẩu
CFS không phải là chứng từ bắt buộc nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu, CFS chỉ yêu cầu trong trường hợp Bộ quản lý ngành (ví dụ Bộ Y tế, Bộ NNPTNT) yêu cầu phải có CFS trong bộ hồ sơ nộp cho Bộ này để được cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật (chẳng hạn như công bố sản phẩm, đăng ký lưu hành, v.v…).
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải cấp những giấy chứng nhận khác theo quy định của các Bộ, ngành, thương nhân nhập khẩu không cần phải yêu cầu nhà xuất khẩu (ở nước ngoài) xin cấp CFS ở nước xuất khẩu.
Đối với những sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành (như nêu tại Phụ lục số 01 của Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg) chưa được Bộ, ngành tương ứng hướng dẫn cụ thể, việc quản lý CFS đối với các sản phẩm này được áp dụng theo quy định hiện hành.
Nguồn: Báo Công Thương Điện tử
- Thời điểm thích hợp để nâng tầm quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ lên Đối tác toàn diện
- Sầu riêng và câu chuyện phản ứng chính sách
- Xuất khẩu nông sản cần lưu ý những thay đổi về SPS từ các thị trường nhập khẩu
- Những chính sách đầu tiên đánh dấu sự trở lại của ông Trump
- Vượt qua Nhật Bản, Việt Nam giữ vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 tại Singapore