Tự làm khó mình!
03/08/2010 102Doanh nghiệp ít gặp khó khăn bởi những quy định mới về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có nguồn gốc xuất xứ (IUU) khi xuất khẩu vào thị trường EU. “Nhưng thủ tục nhiêu khê của các quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi quy định IUU đã làm khó doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền, cho biết tại buổi họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, sau sáu tháng thực hiện quy định IUU, được tổ chức tại TPHCM vào tuần qua.
Còn quá nhiều bất cập
Doanh nghiệp còn gặp nhiều thủ tục nhiêu khê và rắc rối khi thực hiện các quy định về ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang EU sáu tháng đầu năm đã giảm 9% về lượng, 11% về giá trị so với cùng kỳ 2009.
Việc khống chế lượng đánh bắt hải sản theo công suất tàu, không dựa vào sản lượng khai thác thực tế của tàu đánh bắt, nhất là những tàu đánh bắt xa bờ, đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi cục khai thác thủy sản ở một số địa phương chỉ chứng nhận lượng nguyên liệu ít hơn 2 tấn/tàu. “Quy định này là bất cập, bởi một tàu đi đánh bắt hơn 20 ngày mà không tới 3 tấn mực, ngư dân chỉ có… chết”, bà Ánh nói. Điều này còn tác động dây chuyền đến doanh nghiệp, mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 5 lô hàng thủy sản sang EU, mỗi lô hàng khoảng 20 tấn, việc khống chế số lượng đánh bắt theo công suất tàu, khiến doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác (catch certificate - C/C) cho phần nguyên liệu dôi ra so với công suất của tàu. Cũng gặp nhiều khó khăn từ những thủ tục cấp giấy C/C, ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Chế biến Cầu Tre (CTE JSCO), cho biết sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Cầu Tre là những mặt hàng chế biến, nên cần kết hợp nhiều loại nguyên liệu thủy sản. Để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, một lô hàng xuất khẩu của Cầu Tre cần nhiều giấy chứng nhận C/C. Công ty phải mua nguyên liệu từ nhiều tàu đánh bắt ở nhiều vùng khác nhau. Mỗi cơ quan cấp giấy chứng nhận C/C có những quy định khác nhau đã gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp. “Nhiều vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam cũng không có câu trả lời”, ông Nghĩa nói.
Chi phí phát sinh thêm từ việc xin cấp giấy C/C cũng làm nản lòng các doanh nghiệp. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có quy định việc thu phí việc cấp giấy chứng nhận C/C nhưng nhiều khoản phí doanh nghiệp phải chi để có giấy C/C là không có cơ sở. Có những lô hàng, doanh nghiệp mua nguyên liệu ở các tỉnh, thành khác nhau, rồi phải mất thời gian đi lại từ 5 đến 7 lần mới có được giấy chứng nhận. Nhiều chi cục địa phương đã thu phí với mức giá 40.000 đồng/giấy C/C. Một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có khi lên đến hơn 50 giấy C/C, chi phí tăng thêm cho mỗi lô hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ghẹ sang thị trường EU, sản lượng đánh bắt ghẹ của tàu hiện đạt khoảng 30-50 ki lô gam ghẹ/ngày. Theo quy định, doanh nghiệp được khai tổng cộng 250 ki lô gam/ngày/1 giấy chứng nhận C/C. Doanh nghiệp xuất một container với khối lượng 40 feet, tương đương với 50.000 ki lô gam, doanh nghiệp phải cần tới… 200 tờ khai giấy chứng nhận xuất xứ cho lô hàng xuất khẩu này. Chưa hết, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Nha Trang bức xúc “nguyên liệu đang khan hiếm, chúng tôi làm hàng đông lạnh, nên mua nguyên liệu về dự trữ trước. Khi có đơn hàng xuất khẩu, cơ quan chức năng lại từ chối chứng nhận” với lý do là “nguyên liệu để lâu, không có căn cứ để xác nhận nguồn gốc xuất xứ”.
Ngoài ra một số doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể như nghêu vào thị trường châu Âu cũng đang bị ngưng trệ do nhà nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận với nghêu nuôi và khai thác bằng tay của Việt Nam. Một khó khăn khác là theo quy định, giấy C/C phải là bản gốc gửi kèm theo lô hàng sau khi đến cảng. Tuy nhiên, do doanh nghiệp chia hàng từ một giấy C/C cho nhiều nhà nhập nên không thể có C/C gốc.
Sẽ tiếp tục chấn chỉnh
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, trả lời phỏng vấn TBKTSG, bên lề buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng: “Những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được bộ tiếp tục rà soát và giải quyết trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường EU trong sáu tháng cuối năm”. Cụ thể, để chứng nhận mặt hàng khai thác thủy sản trong nước, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát và đơn giản hóa các thủ tục. Bộ cũng sẽ sớm thống nhất với cơ quan chuyên môn của Ủy ban châu Âu để hoàn thiện các biểu mẫu chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường này. “Các doanh nghiệp xuất khẩu phải xác định việc chứng nhận thủy sản khai thác vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm để phối hợp chặt chẽ với các chủ tàu cá, cơ sở mua, chế biến và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc chứng nhận”, Thứ trưởng Tám nói. Trên cơ sở này, doanh nghiệp cần sớm xây dựng mối liên kết giữa chủ tàu - nậu vựa - chủ hàng xuất khẩu - cơ quan cấp giấy chứng nhận khai thác.
Hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang lâm vào tình trang thiếu nguyên liệu trầm trọng để xuất hàng sang EU vào những tháng tới. Không trông chờ vào những giải pháp “lâu dài” của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về chế biến. Giải pháp “chữa cháy” này lại bị vướng quy định về kiểm soát các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vừa có hiệu lực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết Vasep đang thu thập thông tin và dữ liệu chi tiết những mặt hàng đang bị thiếu nguyên liệu chế biến, qua đó cơ quan này sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách riêng cho những loại nguyên liệu nhập khẩu đang thiếu hụt của ngành.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online