Kịch bản nào cho đàm phán NAFTA?
27/09/2017 41Cuộc tái đàm phán vòng 3 Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA - giữa 3 nước Canada, Mỹ và Mexico) đang diễn ra từ ngày 23 đến 27/9 ở Ottawa.
Bao trùm lên tất cả vẫn là những lời đe doạ của Tổng thống Trump về việc rút khỏi NAFTA nếu Mỹ không đạt được các mục tiêu đề ra. Có 2 kịch bản có thể xảy ra liên quan đến kết quả đàm phán NAFTA như sau:
Thứ nhất, các cuộc đàm phán thành công với việc các bên đạt thoả thuận NAFTA 2.0 vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đối với Canada và Mexico, việc phê chuẩn thoả thuận mới tương đối đơn giản. Nhưng với Mỹ, ngay cả khi áp dụng quy trình nhanh nhất, mọi việc vẫn sẽ kéo dài và phức tạp hơn vì nhiều lý do.
Trước hết, ông Trump cần thông báo cho Quốc hội Mỹ trước 90 ngày để có thể ký vào phiên bản NAFTA sửa đổi. Trong thời gian này, Quốc hội Mỹ có thể và sẽ đưa ra quan điểm riêng của mình về thỏa thuận mới. Sau khi ký, ông Trump phải gửi văn kiện kèm theo dự thảo luật tới Quốc hội, nhưng việc này sẽ chưa thể được tiến hành cho đến khi Ủy ban Thương mại Quốc tế hoàn thành báo cáo đánh giá độc lập, dự kiến có thể mất tới 105 ngày.
Với khung thời gian trên, Quốc hội Mỹ khó có thể tiến hành biểu quyết phiên bản NAFTA mới trước khi tiến hành bầu cử giữa kỳ. Nếu Quốc hội Mỹ có thể đẩy nhanh tiến trình thì khi đó Mexico cũng đã bắt đầu bước vào tâm điểm của cuộc bầu cử Tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018. Trong bối cảnh cạnh tranh bầu cử, NAFTA chắc chắc sẽ trở thành chủ đề nóng ở cả hai nước và không loại trừ khả năng trở thành “con tin chính trị” giữa các đảng phái đối lập.
Thứ hai, đàm phán sụp đổ và Tổng thống Trump sẽ thông báo quyết định rút khỏi NAFTA. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần đưa ra lời đe dọa này nên khả năng Mỹ rút khỏi NAFTA là hoàn toàn có thể xảy ra, cho dù nó có thể sẽ gây ra một cơn “địa chấn” tại Mỹ và kích hoạt các cuộc tranh cãi hiến pháp nảy lửa trên nghị trường. Hiến pháp Mỹ không quy định Tổng thống có quyền rút khỏi các hiệp định thương mại khi chưa có sự chấp thuận của Quốc hội.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump chỉ đưa ra sắc lệnh rút lại các ưu đãi thuế trong NAFTA dành cho Canada và Mexico, Quốc hội Mỹ cũng sẽ phải thay đổi một vài điều luật liên quan. Câu hỏi đặt ra là liệu Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có cho phép điều này xảy ra hay không. Đây sẽ là một trận chiến căng thẳng kéo dài, có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm để giải quyết. Trong thời gian đó, các thị trường sẽ hỗn loạn do những bất ổn trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico.
Không một kịch bản nào trong 2 kịch bản trên thực sự đáng khích lệ. Tương lai NAFTA có lẽ sẽ trở nên rõ ràng hơn sau vòng đàm phán thứ 3 nói trên và vòng thứ 4 dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới ở Mỹ.
Nguồn: Báo Hải quan
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc