Tin tức

Chưa ngã ngũ về tương lai TPP không Mỹ

25/09/2017    43

Ngày 22/9, sau hai ngày bàn thảo kỹ lưỡng về tương lai Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đại diện của 11 quốc gia tham gia Hiệp định vẫn chưa đạt được sự thống nhất cụ thể nào. Câu hỏi được đặt ra lúc này là TPP có thể “sống sót” không nếu thiếu Mỹ?

Phải nói rằng, cuộc họp lần thứ 3 giữa trưởng đoàn đàm phán 11 quốc gia thành viên TPP thực sự quan trọng bởi từ đây, các nước đưa ra định hướng để kích hoạt TPP mà không có Mỹ, cũng như thảo luận về các thỏa thuận thương mại khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước thềm Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam. 
3 quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy thực hiện TPP là Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng mang theo nhiều tham vọng trong cuộc họp này. 

Khi trả lời phỏng vấn báo giới, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto nói: "Điều quan trọng đối với 11 quốc gia là duy trì tình đoàn kết và thống nhất, nỗ lực thiết lập một hệ thống thương mại đa phương, tự do, công bằng dựa trên luật pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phù hợp với thế kỷ XXI". 

Ông Kazuyoshi Umemoto cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực thi TPP càng sớm càng tốt, cũng như quan điểm của Nhật Bản là tiếp tục theo đuổi khả năng Mỹ có thể quay trở lại TPP vào một thời điểm thích hợp khác. Nhắc đến việc Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản cho biết, Tokyo đã đề xuất cuộc họp này chỉ 3 tuần sau một cuộc họp khác ở Australia với mục đích là thúc đẩy các nỗ lực nhằm xác định thêm những điều khoản nên được gác lại. 

Quan điểm của ông Kazuyoshi Umemoto là ngoài thuế quan thấp hơn, TPP cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho các nước tham gia, trong đó hỗ trợ các nước thành viên mở rộng tiềm năng phát triển của mình. Chẳng hạn, khi TPP đòi hỏi cải cách cơ cấu nông nghiệp ở Nhật Bản thì chính quyền Tokyo cũng hiểu rằng, những thay đổi này là cần thiết nếu muốn tăng năng suất cũng như nâng cao mức sống... 

Do đó, chính phủ các quốc gia tham gia TPP không nên trì hoãn, kéo dài quá trình thực thi Hiệp định. Theo các nhà phân tích, một lý do không kém phần quan trọng khiến Nhật Bản sốt sắng hơn trong việc thực hiện TPP là bởi vì hiện tại, một hình thức hợp tác thương mại mới có tên gọi là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đang được xúc tiến và đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu TPP đi vào ngõ cụt thì RCEP sẽ lên ngôi. 

RCEP được xem là hiệp ước mở rộng quan hệ mậu dịch của các nước Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản; phủ rộng gần phân nửa dân số thế giới và 30% nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù có tham gia vào RCEP nhưng xét ở nhiều khía cạnh, vai trò và vị thế của Nhật Bản trong hiệp định này sẽ khó nổi được như vai trò trong TPP.

Hãng tin ATimes cho hay, trong cuộc thảo luận “TPP 11” ở Australia vào cuối tháng 8 vừa qua, các nước thành viên đã đề xuất 50 điều khoản mà họ cho là cần được tạm gác nhưng cuối cùng lại chỉ đạt được sự đồng thuận về 2 điều khoản, gồm kéo dài thời gian bảo hộ dữ liệu thuốc sinh phẩm và kéo dài thời gian bảo hộ bằng sáng chế. 

Những đề xuất khác đòi hỏi phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng hơn như các điều khoản về doanh nghiệp quốc doanh và đàm phán định kỳ về TPP; một số điều khoản bị đề xuất tạm gác. Và cuộc họp ở Nhật Bản chỉ được coi là thành công nếu tất cả 11 nước thành viên đưa ra đề xuất của mình và nhất trí về các điều khoản cần “đóng băng”. 

Việc vượt qua được trở ngại này sẽ mở đường cho các nhà đàm phán quay trở lại với những vấn đề khó hơn như rà soát quy định về loại bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 10... 

Một điều khoản cũng cần được điều chỉnh là quy định TPP chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước, chiếm tổng cộng 85% sản lượng kinh tế của 12 nước ký kết ban đầu, hoàn tất các thủ tục trong nước. 

Cho đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định này và với việc Mỹ, chiếm tới 60% tổng sản lượng, rút khỏi thì hiệp định  không thể có hiệu lực.

TPP được ký kết tháng 2 năm ngoái, với 12 nước tham gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. 

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn