Tin tức

Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Hai điểm trọng tâm

20/09/2017    36

Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề sở hữu nhà nước và trách nhiệm cá nhân, Việt Nam sẽ khó thành công khi tham gia FTA thế hệ mới.

Đó là khẳng định của Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an xung quanh việc Việt Nam tham gia các Hiệp định mậu dịch tư do (FTA) thế hệ mới.

Đất Việt xin đăng tải toàn bộ ý kiến của Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương về vấn đề này.

Sở hữu tài sản không rõ ràng

Khi nói đến việc Việt Nam tham gia các Hiệp định mậu dich tự do thế hệ mới, chúng ta thường bàn về cơ hội và thách thức.

Cơ hội và thách thức không thể nói cái nào hơn cái nào cả. Nhưng tôi nghĩ điều cần thiết, chúng ta cần nói tới cùng cơ hội và đầy đủ những thách thức.

Tôi đồng ý với nhiều người, vấn đề kinh tế ảnh hưởng và chịu tác động nhiều từ FTA thế hệ mới. Tuy nhiên hiện nay kinh tế và chính trị luôn đi liền với nhau. Làm gì cho vấn đề kinh tế thuần túy?

Nếu các quốc gia không có sự ổn định về chính trị, có những đường lối đúng đắn về chính trị, chủ trương chính sách thì làm sao vượt qua các thách thức kinh tế được.

Ở đây tôi muốn nói đến 2 điểm mà Việt Nam cần phải lưu ý nếu muốn hội nhập và tham gia FTA thế hệ mới.

Thách thức đầu tiên về mặt kinh tế , đó là sở hữu tài sản không rõ. Nghị quyết của chúng ta nói rằng đó là sở hữu toàn dân. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây “toàn dân là ai”?

Nhiều người lợi dụng việc này để chia nhau, hưởng quyền lợi riêng, chứ làm gì có chuyện chủ tịch một tập đoàn mà lương lên tới 350 triệu/tháng. Đây là mới chỉ là công bố trên giấy tờ, sổ sách còn thực tế bên ngoài thì không ai rõ và kiểm chứng được.

Trách nhiệm cá nhân không rõ

Song song với kinh tế sở hữu không rõ thì về mặt chính trị, trách nhiệm cá nhân không có. Bất cứ việc gì chúng ta cũng đều quy cho tập thể. Từ việc sở hữu không rõ dẫn đến trách nhiệm cá nhân, tập thể lẫn lộn.

Tại sao một tập đoàn hoạt động không hiệu quả? Là do sở hữu không rõ, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng.

Nếu như gang thép Thái Nguyên là của cá nhân, chắc chắn người ta sẽ không chi 8.000 tỷ đồng mua dây chuyền công nghệ của Trung Quốc. Thay vào đó, chúng ta sẽ hướng tới dây chuyền của Mỹ, Nhật Bản hiện đại, tiên tiến. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với nhà máy đạm Ninh Bình.

Vấn đề tiếp theo tôi muốn nói đến là hoạt động của các công ty, doanh nghiệp nhà nước. 90 tổng công ty lâu nay đều xộc xệch, rệu rạo. Đơn vị thì “tiểu đường”, đơn vị thì “ung thư máu”.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo có biểu hiện tham nhũng, xuất hiện sai phạm, tiêu cực trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp. Thế thì làm sao có động lực để phát triển kinh tế và hội nhập?

Để hội nhập, tôi đề nghị phải sửa đổi, tiến tới giải quyết gốc rễ vấn đề sở hữu và trách nhiệm cá nhân.

Tôi đề nghị quy trách nhiệm cho rõ ràng người đứng đầu, các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố địa phương. Chừng nào chúng ta còn mù mờ việc này thì sẽ không thể giải quyết được việc gì.

Nguồn: baodatviet.vn