Tin tức

Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Đón đầu thuận lợi

13/09/2017    54

Tham gia FTA thế hệ mới mang lại động lực và điều kiện cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam.

Hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường mới

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ nhiều lạc quan trước việc nền kinh tế Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới.

Theo ông Chung, hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại động lực và điều kiện cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Song song với ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế theo định hướng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Chính quá trình hội nhập sâu rộng cũng góp phần tạo động lực cho Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ trong nước. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại một số thách thức trong quá trình thực thi các cam kết và thỏa ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh.

PGS.TS Trần Kim Chung đánh giá, với phạm vi và độ sâu của các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới tiếp tục gia tăng so với cam kết trong WTO và các thỏa ước hội nhập kinh tế quốc tế truyền thống khác, những thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đan xen với các cơ hội và ở cách phức tạp hơn, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng, PGS.TS Trần Kim Chung cho hay, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia FTA với các đối tác vốn là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Do vậy, việc lựa chọn các đối tác của Việt Nam đều hướng tới lợi ích mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Các FTA đang đàm phán, đã kết thúc đàm phán hoặc đã ký kết (TPP, EU-VN, và RCEP) đều hướng tới tăng cường tiếp cận ở những thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.Việt Nam sẽ có lợi thế trong trung hạn trước nhiều đối thủ cạnh tranh khi xâm nhập các thị trường. Đây là các lợi ích có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ thương mại.

Theo vị chuyên gia, việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ giúp hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước thành viên thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ.

Ông Chung dẫn chứng cụ thể: với TPP, gia tăng xuất khẩu hàng hóa có được là do Việt Nam được hưởng các mức thuế suất ưu đãi (0-5%) ở các thị trường đối tác. Mức thuế này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng sáng sủa cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác TPP liên tục tăng trong những năm gần đây.

Đến 2014, xuất khẩu sang các nước đối tác TPP chiếm khoảng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 2010-2013 đạt gần 20%. Những mặt hàng xuất khẩu chính sang các nước đối tác TPP bao gồm nhiên liệu, dệt may, da giày, máy móc thiết bị.

“Trong các nước thành viên TPP thì Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc là những thị trường xuất khẩu chính cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: thủy sản, dầu thô, hàng dệt may, giày dép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.

Khi Việt Nam tham gia TPP, các nhóm hàng này sẽ có cơ hội lớn hơn để mở rộng xuất khẩu sang tất cả các nước tham gia TPP, tạo thêm tiềm lực giúp các nhóm hiện có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn gia tăng năng lực cạnh tranh. Ở khía cạnh nhập khẩu, TPP cũng sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định”, ông Chung nhấn mạnh.

Cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Kim Chung cũng cho rằng, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng là “cú hích” giúp Việt Nam tiếp cận và thu hút được dòng vốn FDI với giá trị lớn hơn bởi Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn các nước trong khu vực.

Trong số các nước thành viên TPP, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hoa Kỳ vẫn luôn là những đối tác FDI chủ yếu tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tham gia các FTA thế hệ mới (FTA Việt Nam – EU, TPP, RCEP,…) cũng tiếp tục là cơ hội để các đối tác này tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tận dụng ưu thế thành viên của Việt Nam.

Nếu tận dụng tốt cơ hội này, ông Chung tin tưởng, Việt Nam có thể hưởng lợi cả trực tiếp và gián tiếp. Lợi ích trực tiếp nhất thể hiện qua tăng GDP, xuất khẩu, việc làm và thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) gắn với khu vực FDI.

Nhờ sự hiện diện của FDI, ông Chung cho rằng, năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng được cải thiện thông qua củng cố liên kết giữa khu vực này với doanh nghiệp FDI, hay tận dụng các tác động lan tỏa tích cực từ FDI (thông qua dịch chuyển lao động, cạnh tranh, chuyển giao công nghệ).

“Đối với Việt Nam, việc này sẽ trở thành yếu tố giúp thu hút vốn FDI, không chỉ của các nước thành viên mà cả các nước ngoài TPP để khai thác thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển rất năng động này”, ông Chung nhấn mạnh.

Thúc đẩy cải cách thể chế trong nước theo định hướng thị trường

Một vấn đề khác được ông Chung nhắc tới khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới đó là cơ hội tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài.

Theo ông Chung, hầu hết các nước tham gia các FTA thế hệ mới gần đây đều là những quốc gia phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao và nguồn vốn dồi dào như Hoa Kỳ, Nhật, Singapore, Australia, Niu Di-lân,

Việc tham gia các FTA cũng tạo cơ hội để các nước này đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, đặc biệt đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn thu hút như các ngành công nghệ cao, giúp nâng cao trình độ phát triển của Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nâng cao khả năng Việt Nam tham gia ngày càng tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

“Quan trọng hơn, năng lực công nghệ hàng đầu của các đối tác cũng sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận những công nghệ tốt nhất và các tiêu chuẩn quản trị tốt nhất đi kèm”, ông Chung chia sẻ.

Đáng chú ý, theo vị chuyên gia, Việt Nam còn có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế trong nước theo định hướng thị trường khi tham gia các hiệp định Thương mại tự do thế mới.

Xét về mặt thể chế, ông Chung cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại đã có những tác động tích cực giúp hoàn thiện đáng kể thể chế kinh tế ở Việt Nam, thể hiện trên các mặt như: khung pháp lý tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; bộ máy tổ chức tham gia vào thực hiện và điều hành các hoạt động kinh tế được củng cố.

Ngoài ra nó cũng tác động đến các chính sách, cơ chế hỗ trợ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh bình đẳng và Chính phủ chỉ can thiệp khi cần khắc phục những thất bại của thị trường.

Trong quá trình hội nhập của Việt Nam, giai đoạn đàm phán BTA và WTO là cơ hội đầu tiên để Việt Nam rà soát hệ thống pháp luật thương mại.

Hiệp định TPP được coi là bước ngoặt tiếp theo, giúp Việt Nam tiếp tục rà soát và cải cách thể chế trong nước với phạm vi rộng hơn và mức độ sâu hơn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, TPP tiếp cận theo nguyên tắc “chọn – bỏ”; đòi hỏi Việt Nam phải rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan để có thể đưa ra danh sách bảo lưu các biện pháp không tương thích”, ông Chung nêu quan điểm.

5 thách thức phải vượt qua

Ngoài những thuận lợi trên, dưới góc nhìn của PGS.TS Trần Kim Chung, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam.

Thách thức đầu tiên và quan trọng nhất là việc cải thiện khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung cạnh tranh về giá, song đây chỉ là bước đầu.

Theo ông Chung, nếu doanh nghiệp không cải thiện được khả năng cạnh tranh trên các phương diện khác - chẳng hạn như chất lượng, khả năng cung ứng đơn hàng lớn, thời gian cung ứng đơn hàng kịp thời, và kênh phân phối - thì sẽ khó thâm nhập được vào thị trường các đối tác FTA, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

“Đối với toàn bộ nền kinh tế, nếu không thúc đẩy được đổi mới khoa học kỹ thuật, cải thiện khả năng quản trị sản xuất để tăng cường cạnh tranh về chất lượng thì nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” sẽ ngày càng lớn hơn”, ông Chung cảnh báo.

Thách thức nữa mà Việt Nam tiếp tục phải đối mặt là duy trì và củng cố đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã chạm đến không ít vấn đề vốn được coi là nhạy cảm sau đường biên giới, chẳng hạn như quyền tự do công đoàn, chủ quyền chính sách, sở hữu trí tuệ gắn với biệt dược và các sản phẩm giống cây trồng... Lợi thế so sánh tĩnh và lợi thế so sánh động có thể không đồng nhất ở cùng một nhóm mặt hàng, qua đó gây ra rủi ro cấp ngành nếu như không tận dụng một cách hài hòa các lợi thế này.

“Thách thức sẽ càng lớn hơn nếu những thực tiễn pháp lý tốt – bao gồm tham vấn cộng đồng, đánh giá tác động trước và sau khi ban hành văn bản – không được thực hiện bài bản, thực chất”, ông Chung nói.

Ngoài 2 vấn đề trên, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức về cân bằng các mục tiêu chính sách, thách thức về khả năng tận dụng cơ hội, thách thức pháp lý hay thách thức điều hành ngân sách.

“Trong bối hội nhập thế hệ mới, Việt Nam cần có chiến lược tạo sự đồng thuận. Bên cạnh việc khuyến khích sự tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động hơn của khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc thực thi các cam kết, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới.

Đồng thời, Việt Nam cần ban hành những giải pháp cần thiết liên quan đến chính sách ngành, chính sách thương mại, thu hút FDI, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô,… nhằm tận dụng các cơ hội và xử lý các thách thức từ các FTA thế hệ mới”, ông Chung nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đất việt