Tin tức

Tại sao Việt Nam trở thành điểm đến thay thế đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Châu Á

19/09/2022

Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7 năm nay - một minh chứng cho sự cải thiện quan hệ kinh tế song phương kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam nổi lên như một điểm đến sản xuất lý tưởng thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bài viết này bàn luận về các xu hướng trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, sự phát triển trong hợp tác kinh tế và cách các doanh nghiệp Mỹ có thể tận dụng và hưởng lợi từ việc chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam.

Sau bốn thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có những sự thay đổi đáng kể.

Sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975, Mỹ và Việt Nam tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11 tháng 7 năm 1995. Tháng 7 năm nay, Mỹ và Việt Nam đã kỷ niệm 27 năm quan hệ ngoại giao - với việc Mỹ tái khẳng định ủng hộ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, pháp quyền, tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở,…

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Mỹ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên tới 77 tỷ USD năm 2019. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc “Đổi mới” với những cải cách kinh tế lớn, ưu tiên xây dựng nền kinh tế thị trường và tạo cơ hội cho sự cạnh tranh của khu vực tư nhân. Sự tăng trưởng dân số tại Việt Nam cũng mang lại cơ hội đầu tư đáng kể cho các doanh nghiệp nước ngoài. Mỹ và Việt Nam đã mất nhiều năm đàm phán và đi đến ký kết một hiệp định thương mại song phương, có hiệu lực từ năm 2001.

Thỏa thuận này đã giúp dỡ bỏ một số hàng rào phi thuế quan, cùng với đó giảm thuế trung bình từ 3 đến 40% đối với nhiều loại hàng hóa, bao gồm nông sản, sản phẩm từ động vật và đồ điện tử. Việt Nam cũng được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN), một trong những yếu tố quan trọng để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm các nước ASEAN cũng như Mỹ và Australia. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ FTA này khi được tiếp cận thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị tạm dừng khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định bởi cho rằng nó sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp và việc làm của Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam và 10 quốc gia khác đã tiếp tục đàm phán mà không có Mỹ, cuối cùng đi tới ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3 năm 2018. Bất chấp những khó khăn, thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam vẫn trên đà phát triển và được các nhà phân tích kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. 

Mối quan hệ tích cực nhưng không phải là không có trở ngại

Vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đối với quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ. Vào năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn, cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại, khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với Mỹ sẽ kết thúc. Trump phàn nàn về sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Bank of America Merrill Lynch, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên tới 600 triệu USD.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 412,49% đối với sản phẩm mật ong nhập khẩu từ Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với mức đề xuất ban đầu là 207%.

Bên cạnh đó, Mỹ đã đề ra các rào cản thương mại khác bao gồm các quy định không đầy đủ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an toàn thực phẩm, các hạn chế đối với internet và kinh tế số và các vấn đề quản trị khác.

Quan hệ an ninh củng cố sự ổn định nhằm cải thiện quan hệ song phương

Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã có một chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Cùng năm đó, Việt Nam cũng lần đầu tiên tham gia “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) - cuộc diễn tập quân sự trên biển do Mỹ đăng cai tổ chức hai năm một lần. Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí hợp pháp cho Việt Nam vào năm 2016. Cả hai nước đã và đang thiết lập quan hệ quân sự chặt chẽ hơn và trao đổi quân sự cấp cao.

Đối với Việt Nam, điều này nhằm phản đối lập trường kiên quyết của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Dựa trên mối quan hệ này, Hà Nội đã được chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 2 năm 2019, củng cố thêm tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Alexander Vuving, một chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện nghiên cứu Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng “Việt Nam nắm giữ chìa khóa của cán cân quyền lực trong khu vực”. Nếu quan điểm này được Mỹ ủng hộ, nước này sẽ tiếp tục có mối quan hệ tích cực với Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam được coi là đối trọng với Trung Quốc.

Gần đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có chuyến công du Mỹ kéo dài một tuần để tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ. Chuyến thăm thành công cũng cho thấy cam kết của hai bên trong việc đẩy mạnh hợp tác song phương.

“Lợi thế Việt Nam” khi thương chiến Mỹ-Trung kéo dài

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có tác động lớn đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm của họ, đặc biệt là hàng may mặc và dệt may. Việt Nam nổi lên như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc đối với các nhà đầu tư có lợi từ chiến lược “Trung Quốc + 1” - chiến lược chuyển hướng hoặc mở rộng đầu tư sang các nước khác ngoài Trung Quốc để tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù điều này đã xảy ra, chiến tranh thương mại đã góp phần thúc đẩy quá trình này nhanh hơn. Ông Kyle Freeman, Trưởng bộ phận Bắc Mỹ của Dezan Shira & Associates cho biết, “Ngay cả trước khi bắt đầu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và gần đây là sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, nhìn chung khi sản xuất ở châu Á, Việt Nam vẫn được coi là lựa chọn có chi phí cạnh tranh nhất khi muốn thay thế Trung Quốc.”

Những lợi thế đáng chú ý đã khiến Việt Nam trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể kể đến như: cơ cấu quản lý tương đối hiệu quả và ổn định, quy định và sự tương đồng văn hóa đối với các công ty quen kinh doanh ở Trung Quốc, chi phí lao động cạnh tranh, hồ sơ thuế thân thiện với doanh nghiệp cùng với các ưu đãi hào phóng và sự tiếp cận dễ dàng với chuỗi cung ứng châu Á. Những lợi thế này cùng với những bước phát triển đáng kể trong năm nay đã tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nguồn vốn FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Mỹ. 

Chi phí lao động gia tăng, nhu cầu đa dạng hóa và việc chính phủ chuyển trọng tâm từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành công nghệ cao đã thúc đẩy các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc từ từ chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Do có vị trí địa lý gần, mức lương thấp hơn, lao động có tay nghề cao, các hiệp định thương mại và sự kết nối khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những lựa chọn thay thế được ưa thích nhất đối với các nhà sản xuất. Nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam do chi phí phát sinh từ chiến tranh thương mại.

Tất cả những yếu tố này đã giúp gia tăng thương mại giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đáng chú ý, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Con số này đã đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD sau Trung Quốc. Đây có thể xem là một thành tựu lớn đối với cả hai quốc gia trong bối cảnh đại dịch cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và hoạt động logistics toàn cầu.

- Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (năm 2021): 96,3 tỷ USD;
- Tăng trưởng (so với năm 2020): 25%;
- Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu: 28,6%;
- Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ: 15,27 tỷ USD; và
-  Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ bao gồm:

- Máy móc, thiết bị và phụ tùng;
- Dệt may;
- Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện;
- Thiết bị cầm tay và các bộ phận;
- Giày dép;
- Gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ năm 2021 (tỷ USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Cùng với việc tăng cường hợp tác thương mại, hai nước cũng bắt tay đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, giao thông vận tải, giáo dục, viễn thông và năng lượng. Ví dụ, trong năm nay, GE có trụ sở tại Mỹ đã giành được một hợp đồng cung cấp các gói thiết bị phát điện cho các nhà máy điện khí của Petro Vietnam tại Tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, linh kiện, đồ gỗ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ lên một tầm cao mới trong thời gian tới với sự quy hoạch và đầu tư bài bản.

Các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế

Công ty TNHH Cargill có trụ sở tại Mỹ đang vận hành 12 nhà máy sử dụng khoảng 1.600 nhân viên trên khắp Việt Nam. Tương tự, Apple, Qualcomm, Nike Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Hue Capital LLC, Intel, Lockheed Martin International, Google và USTelecom vẫn duy trì hoạt động tại Việt Nam.

Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) có trụ sở tại Mỹ, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử cho máy bay do Boeing và Airbus chế tạo, đã đầu tư 170 triệu USD vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Tập đoàn này có kế hoạch mở rộng hơn nữa trong những năm tới.

Các nhà đầu tư Mỹ khác, như Vector Fabrication Inc, gần đây cũng đã rót vốn vào Việt Nam với dự án trị giá 59 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Tất cả những yếu tố này khiến Việt Nam trở thành một nước “chiến thắng trong chiến tranh thương mại” và là một điểm đến lý tưởng để kinh doanh và thu hút đầu tư. Khi hầu hết các mức thuế của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng tìm kiếm các địa điểm khác để chuyển hoạt động sản xuất của họ. Trong bối cảnh đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng của chiến lược “Trung Quốc + 1” những năm gần đây.

Tuy nhiên, lợi ích của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào việc mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi. Lực lượng lao động có kỹ năng, chi phí thấp, cơ sở hạ tầng, chính phủ ổn định, môi trường an toàn và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là những yếu tố các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm trong thời điểm khó đoán này. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Và Việt Nam cũng có khả năng tận dụng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dich ở những quốc gia khác.
Khi chiến tranh thương mại và đại dịch đã tạo ra đủ các yếu tố thúc đẩy sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sản xuất, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay sẽ là làm thế nào để duy trì sự tăng trưởng bền vững của mình.

Hơn nữa, trước khi xác định Việt Nam là một điểm đến tiềm năng để chuyển dịch, các nhà đầu tư Mỹ phải đánh giá kỹ lưỡng và xem xét một số yếu tố, chẳng hạn như xác định vị trí, nguồn nguyên vật liệu, đối tác nguồn và chuỗi cung ứng logistics.

Nguồn: Vietnam Briefing

Lược dịch bởi Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI