Tình hình xuất khẩu hàng hóa CBAM của Việt Nam sang EU?
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 694 triệu USD năm 2020 lên đến 2,47 tỷ USD năm 2023 (tăng 3,6 lần) (Số liệu của Tổng cục Thống kê). Với kết quả này, EU hiện là khu vực nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam, do đó đây là ngành hàng được nhận định sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi cơ chế CBAM của EU được thực thi.
Trên thực tế, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam hiện vẫn còn tương đối thấp do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất. Hơn nữa, đa phần các cơ sở sản xuất phôi thép hiện tại có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu thụ nhiều năng lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sắt thép của Việt Nam được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi/báo cáo lượng phát thải, đồng thời phải đầu tư nhiều chi phí để giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Xuất khẩu nhôm của Việt Nam sang EU cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục, từ 52,7 triệu USD năm 2020 lên 260,8 triệu USD năm 2022 (tăng gần gấp 5 lần chỉ sau 3 năm) (Số liệu của ITC Trademap). Nhờ đó, EU hiện là đối tác nhập khẩu nhôm lớn thứ 4 của Việt Nam (chỉ sau Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản). Cùng với sắt thép, nhôm là ngành hàng đối mặt với nhiều thách thức khi EU triển khai cơ chế CBAM.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI