Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tự do trong một vài ngày tới, sau khi các cuộc đàm phán ở Tokyo có những tiến triển quan trọng đối với một số mặt hàng nhạy cảm như pho mai và phụ tùng xe hơi.

Một trong những vướng mắc còn lại mà hai bên chưa có được sự đồng thuận là bảo hộ đầu tư, trong đó Nhật Bản chưa chấp thuận hệ thống tòa án đầu tư của EU. Cuộc đàm phán ở Tokyo vào ngày 1/7 kéo dài tới tận 9 giờ tối. Mặc dù chưa có kết quả chính thức, nhưng quan chức hai bên đều lạc quan rằng mọi việc có thể sẽ được giải quyết xong xuôi tại cuộc gặp cấp cao vào ngày 6/7 tới đây.

Xóa bỏ gần hết hàng rào thuế quan

Thỏa thuận này sẽ là đòn tấn công mạnh mẽ vào quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm Hội nghị G20 diễn ra tại Hamburg, đồng thời phát đi thông điệp rằng tự do thương mại vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại EU Cecilia Malmstrem cho hay: “Chúng tôi đã tiến gần tới đích. Hai bên đã đủ hiểu nhau để có thể giải quyết xong những vấn đề còn tồn đọng trong vài ngày tới”.

Trong khi đó, phía Nhật Bản lại tỏ ra thận trọng hơn. Bộ trưởng Thương mại Fumio Kishida nhận định “Quá trình đàm phán đã có những bước tiến lớn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết”. Ông Kishida dự kiến sẽ bay tới Brussels để đẩy nhanh tiến trình đàm phán.

Một khi thỏa thuận Nhật Bản - EU có hiệu lực, thuế nhập khẩu ôtô và phụ tùng từ Nhật Bản vào EU sẽ giảm mạnh, mở ra thị trường mới dồi dào tiềm năng cho các hãng xe hơi Nhật như Toyota và gây thêm áp lực cạnh tranh lên các nhà máy sản xuất ôtô của Anh sau giai đoạn Brexit.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu thực phẩm cho đối tượng nông dân châu Âu cung cấp các nông sản như thịt và pho mai.

Bà Malmstrem khẳng định: “Gói đàm phán mà hai bên hy vọng sẽ kết thúc trong tuần này sẽ xóa bỏ gần hết các hàng rào thuế quan giữa hai bên và có giá trị rất lớn. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ tăng gấp 3 sản lượng nông sản xuất khẩu và tăng 1/3 tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản”.

Một trong những vướng mắc còn lại mà hai bên chưa có được sự đồng thuận là bảo hộ đầu tư, trong đó, Nhật Bản chưa chấp thuận hệ thống tòa án đầu tư của EU thay thế quy trình giải quyết tranh chấp truyền thống.

Niềm tin vào thương mại tự do

Đối với EU, thỏa thuận song phương với Nhật Bản sẽ là minh chứng hùng hồn cho thấy EU vẫn còn đủ hấp dẫn thương mại với các đối tác lớn, mà trước đó là hiệp định song phương với Canada (CETA). Về phía Nhật Bản, EU sẽ giúp xoa dịu nỗi buồn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dang dở sau khi nước Mỹ quyết định thoái lui.

Theo bà Malmstrem, EU và Nhật Bản sẽ nhân cơ hội này gửi lời nhắn nhủ tới toàn thế giới rằng họ vẫn giữ vững niềm tin vào thương mại tự do và “việc xây dựng những bức tường hay có tư tưởng bảo hộ là những điều không nên làm”.

Châu Âu và Nhật Bản bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại từ năm 2013 và tưởng chừng đã về đích từ tháng 12/2016, trước khi bất ngờ bị đình lại bởi phía Nhật Bản lo ngại xảy ra những rắc rối chính trị giống như CETA.

Còn nhớ, CETA suýt đổ bể vào phút cuối khi cơ quan lập pháp vùng Wallonie của Bỉ bỏ phiếu phủ quyết hiệp định này do những quan ngại liên quan đến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu, lo lắng thị trường lao động bị đe dọa.

Chính phủ Bỉ chỉ có thể thông qua CETA khi nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan lập pháp cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này; mà Bỉ không thông qua đồng nghĩa EU cũng không thể phê chuẩn. Thế là hàng loạt cuộc ngoại giao con thoi đã được cấp tốc tiến hành từ tất cả các bên thì cuối cùng mọi việc mới êm xuôi.

Thỏa thuận EU - Nhật Bản có phạm vi điều chỉnh tương tự CETA khi bao trùm hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế, song quy mô thì lớn hơn đáng kể vì nền kinh tế Nhật Bản lớn gấp 3 lần Canada.

Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn