Một số nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập như ô tô, sắt thép, hàng tiêu dùng…đang xảy ra tình trạng nhập khẩu tăng đột biến vào Việt Nam. Để giảm thiểu, việc áp dụng biện pháp tự vệ lại được đề xuất. Nhưng, liệu có khả thi hay không khi mà các “hàng rào thương mại” của Việt Nam thời gian qua vừa “thô” vừa không hiệu quả?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2017 có mức tăng trưởng khá cao, lần lượt là 22,7% và 10,7%.

Trong đó, một số mặt hàng cần hạn chế nhập có kim ngạch gia tăng đột biến, tăng cao nhất phải kể đến phế liệu sắt thép (tăng 153,7%), tiếp đến là xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (tăng 96,6%) và nhóm hàng tiêu dùng rau quả (tăng 67,1%).

Càng hạn chế càng nhập

Xét về mặt thị trường, nhập khẩu từ châu Á chiếm 80,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29,3% và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc chiếm 20,5% và tăng 35%. Thị trường ASEAN chiếm 13,2% và tăng 19,5%.

Về mặt hàng sắt thép, ước tính mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Thời gian qua, do chi phí nhập sắt thép phế liệu rẻ hơn mua phôi để luyện thép nên mặt hàng này vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào cần nhập của một số nhà máy thép trong nước.

Mặt hàng sắt thép phế liệu thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định về bảo vệ môi trường và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu. Song, với số lượng nhập khẩu tăng đột biến từ năm ngoái cho đến nay có thể thấy việc “không khuyến khích” này dường như “vô tác dụng”.

Đối với nhóm hàng tiêu dùng rau quả nhập khẩu tăng đột biến như hiện nay, tuy không khớp về số liệu giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, nhưng cũng cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả vào Việt Nam đạt hơn 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ riêng hai thị trường Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Với mặt hàng ô tô, theo nhận định của Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu là gia tăng nhập khẩu từ ASEAN và Ấn độ. Trong đó, với ASEAN là do thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Ngoài ra, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, từ đầu năm 2017, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít, thuế giảm còn 35%; Dòng xe có dung tích từ 1,5 đến 2 lít (tập trung chủ yếu ở phân khúc xe hơi) giảm còn 40%. Vì vậy, việc giảm thuế này tạo lợi thế đáng kể cho xe từ Ấn Độ.

Một lý do nữa là chiêu giảm giá “tới đáy” của xem như chiến lược cạnh tranh với các dòng xe của Thái Lan, Indonesia để vào thị trường ASEAN.

Trước bối cảnh như vậy, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước…

Lỗ hổng “hàng rào kỹ thuật”?

Nhìn lại tình hình nhập khẩu hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, cần sớm có các biện pháp quản lý nhập khẩu kịp thời, nhất là với một số mặt hàng đang tăng nhanh trở lại gồm: điện thoại di động, thép phế liệu, ô tô dưới 9 chỗ, đá quý – kim loại, rau quả.

Đối với kiểm soát nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ đang gia tăng ồ ạt từ Ấn Độ, bộ này cho rằng cần xem xét triển khai nhanh Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng để kiểm soát nhập khẩu ô tô có tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 đang được nhập khẩu vào Việt Nam.

Riêng việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, vấn đề đặt ra là cần phải có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của doanh nghiệp sản xuất nội địa. Trên cơ sở đó, cơ quan cạnh tranh sẽ ra quyết định khởi xướng điều tra, tiến hành các biện pháp điều tra và công bố kết quả điều tra liên quan đến các yếu tố như tình hình nhập khẩu, tình hình thiệt hại, mối quan hệ giữa việc nhập khẩu và thiệt hại. Từ đó mới ra quyết định có hoặc không áp dụng biện pháp tự vệ.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm, chính Bộ Công Thương khi nhận định về tình hình nhập khẩu năm 2016 cũng đã phải thừa nhận rằng, việc gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các “hàng rào kỹ thuật” không hiệu quả. Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Về biện pháp tự vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay, Ts. Trần Toàn Thắng, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, (CIEM) cho rằng điểm khá nghiêm trọng đối với Việt Nam là chúng ta mở cửa hội nhập nhưng chưa chuẩn bị sẵn sàng.

“Nhất là khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Hoặc, nếu chỉ nhìn riêng vào ‘hàng rào thương mại của Việt Nam’ đối với hàng nhập khẩu còn rất yếu cũng đủ để thấy những bất cập” – Ts. Thắng lưu ý.

Ts. Trần Toàn Thắng nhìn nhận, Việt Nam với một nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển đổi, hệ quả đã quá rõ khi dựng lên những “hàng rào thương mại” quá rườm rà và “thô” so với các nước khác. Những giải pháp, chẳng hạn như quota nhập khẩu của Việt Nam, nếu so với “hàng rào kỹ thuật” mà các nước đã dựng lên với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ thấy khá “thô”.

Điều đó để chỉ ra rằng, muốn dựng lên “hàng rào thương mại” của Việt Nam đủ mức tinh vi, không bị kiện trong khuôn khổ WTO, cũng như trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, là một thách thức lớn của Chính phủ trong hội nhập sâu hiện nay.

Thực tế, dù các nước có “mở” khi FTA có hiệu lực, họ vẫn có những chính sách để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, Việt Nam tuy nói là “mở” nhưng chưa thực sự thay đổi được sự bảo hộ đối với một số ngành trong nước. Thiết nghĩ, đó cũng là câu trả lời trước tình trạng nhập khẩu tăng đột biến từ ô tô, sắt thép, rau quả… như hiện nay!

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn